Doanh nghiệp "chẻ" lương, đóng bảo hiểm thấp, ai thiệt nhiều?
(Dân trí) - Khi doanh nghiệp tìm cách "lách luật" giảm tiền để đóng bảo hiểm, người lao động sẽ mất quyền hưởng hàng loạt chế độ, thậm chí, lương hưu không đủ mức sống tối thiểu.
Nỗi lo khi về già
Sau gần 20 năm xa quê, vào TPHCM mưu sinh, chị N.T.T. (công nhân may tại Khu Chế xuất Linh Trung 1) có tổng thu nhập hơn 7 triệu đồng. Trên bảng lương, số tiền 7 triệu được chia ra hàng loạt các khoản phụ thu như: trợ cấp sinh hoạt, tiền ăn, giờ nghỉ, giờ công sản phẩm, sản phẩm tăng ca…
Theo tỷ lệ "chẻ" lương, phần thu nhập đóng bảo hiểm của công ty cho chị T. chỉ hơn 5 triệu đồng. Mỗi tháng, chị chỉ phải trích 480.000 đồng để đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp.
Chị T. được đóng bảo hiểm đã 15 năm. Thời gian trước, dịch bệnh khó khăn, chị đã tính đến nghỉ việc để lấy bảo hiểm một lần nhưng gia đình và bạn bè can ngăn, chị từ bỏ ý định. Tuy vậy, chị cũng hết sức lo lắng vì mức đóng bảo hiểm quá thấp, sợ khi về già, khoản tiền lương hưu nhận được hàng tháng chẳng đủ ăn.
"Giờ tôi chỉ đóng bảo hiểm trên mức lương 5 triệu đồng, sợ phần đóng bảo hiểm ít quá, sau này tiền lại mất giá thì cuộc sống khi về già sẽ thế nào. Nhiều khi tôi cũng muốn biết liệu sau này lương hưu mình được bao nhiêu mà không biết tính như thế nào?", chị T. bộc bạch.
Sống độc thân, lại bị tật ở chân khiến chị T. luôn day dứt về cuộc sống khi không còn sức lao động. Chẳng may không có nơi nương tựa mà lương hưu thấp, chị thực sự không biết bám víu vào đâu.
Tương tự, anh Huỳnh Văn Dự (công nhân giày da ở quận Tân Phú) cũng than thở: "Thu nhập 12 triệu đồng, có tháng đến 15 - 17 triệu đồng nhưng mức đóng bảo hiểm hàng tháng chưa đến 5 triệu đồng. Theo tôi biết, mức đóng này thì khi về già, tối đa tôi cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng, sao đủ sống".
Do không am hiểu về luật bảo hiểm xã hội nên anh Dự cũng không biết phải nói với lãnh đạo doanh nghiệp thế nào để đòi hỏi tăng mức đóng BHXH hàng tháng. Trong công ty, một số người dù biết nhưng cũng không dám nói vì sợ bị đuổi việc. Vậy là tất cả đều im lặng, bất chấp sau này ra sao.
Theo các chuyên gia, khi được đóng bảo hiểm thấp, người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi. Trong đó, đáng kể nhất chính là lương hưu. Lương hưu chính là mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi hết tuổi lao động. Do vậy, nếu trong quá trình làm việc, người lao động được doanh nghiệp đóng bảo hiểm ở mức cao (đóng trên tổng thu nhập) thì sau này sẽ nhận được mức lương hưu tốt, đủ sống.
Đóng bảo hiểm thấp thì lương hưu sẽ thấp
Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu. Trong 2 năm qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4%, từ ngày 1/1/2022.
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, quy định hiện hành cho thấy mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Công thức tính lương hưu cho thấy mức hưởng lương khi hết tuổi lao động tỷ lệ thuận với mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng. Điều đó có nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH.
Đối với lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2022, tỷ lệ hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH.
Ví dụ, mức lương đóng bảo hiểm của người lao động là 5 triệu đồng thì khi nhận lương hưu sẽ là hơn 2 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu doanh nghiệp đóng bảo hiểm cao bằng thu nhập thực tế của người lao động là 10 triệu đồng thì lương hưu sẽ là 4,5 triệu đồng/tháng.
Từ dẫn chứng này có thể thấy, nếu người lao động được đóng bảo hiểm cao tương đương với tổng thu nhập thực tế thì sau này, lương hưu sẽ thực sự đảm bảo được mức sống khi về già.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai cho biết, các doanh nghiệp dựa theo quy định tại Điều 90 của Bộ Luật Lao động và Thông tư 06 của Bộ Lao động năm 2021 để xác định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung để đóng bảo hiểm cho người lao động. Nhiều khoản thu nhập khác như làm thêm giờ hay các khoản thưởng không liên quan đến công việc thì không đóng BHXH.
Dương Thùy