Diễn viên đóng thế: Không dễ kiếm được thù lao 20-30 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Không lộ mặt, xuất hiện chớp nhoáng trong những pha nguy hiểm như té xe, nhảy lẩu, đốt lửa.... là công việc của diễn viên đóng thế. Chỉ cần một sơ suất nhỏ diễn viên có thể bị thương hoặc bỏ mạng.
Chúng tôi có dịp được gặp anh Đặng Trung Tuấn (SN 1977, ngụ TPHCM, biệt danh Tuấn Zoi), người đã trải qua hơn 21 năm gắn bó với những phân cảnh hành động, nguy hiểm với nghề diễn viên đóng thế.
Nghe anh tâm sự, chúng tôi mới hiểu hết được những vất vả, gian truân mà người diễn viên đóng thế phải trải qua.
“Nghề diễn viên đóng thế (cascadeur) là nghề chuyên đóng thế cho các diễn viên trong các cảnh hành động nguy hiểm như chạy xe, té xe, phóng xe, nhảy lầu, đốt lửa. Đó là công việc của các diễn viên đóng thế”, anh Tuấn giải thích.
Anh Tuấn cho biết đã góp mặt hơn 200 bộ phim khác nhau, từ các bộ phim trên màn ảnh rộng đến các phim ngắn, web drama.
Mọi người có thể biết đến anh qua các bộ phim như Gia Sư Nữ Quái, Bảo Mẫu Siêu Quậy, Bẫy Rồng, Hai Phượng, Võ Lâm Truyền Kỳ... Gần đây nhất, anh tham gia đóng thế trong phim Ròm và web drama Trật Tự Mới.
Để có được vài phút, thậm chí chỉ là vài chục giây “tưng bừng” trên màn ảnh, các cascadeur có khi phải bỏ ra cả tháng trời để tập luyện. Từ việc phối hợp ra đòn sao cho nhìn giống đánh nhau thật đến chuyện ngã thế nào để giảm thiểu chấn thương.
Bên cạnh đó, ngoài võ thuật, một cascadeur còn phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng, sở trường như nhào lộn, đu dây, điều khiển xe môtô, ôtô và diễn xuất hành động. Sự sáng tạo, học hỏi, tập luyện không ngừng cũng là một trong những yêu cầu cho nghề này.
Khi hỏi điều gì là khó nhất với diễn viên đóng thế, anh Tuấn cho biết đó đảm bảo sự an toàn và nguồn thu thấp bấp bênh từ nghề.
“Thù lao từ nghề cascadeur của Việt Nam mình thì không có mức cố định, mỗi người có một mức khác nhau tùy theo độ khó của từng phân cảnh và các nhà sản xuất phim. Có những tháng đi theo đoàn phim có thể kiếm được 20 - 30 triệu đồng nhưng đôi khi vài tháng không có thu nhập", anh Tuấn chia sẻ.
Trong điện ảnh, khó có người làm nghệ thuật nào phải đối mặt với nguy hiểm nhiều như diễn viên đóng thế.
Theo anh Tuấn, tùy theo kinh nghiệm và kỹ năng của các cascadeur sẽ có những mức lương khác nhau.
Tuy vậy, so với mặt bằng chung thì mức lương của các cascadeur khá thấp. Nhiều cascadeur cả năm không có việc nên đành phải mưu sinh bằng nghề khác. Bình quân thu nhập của cascadeur thậm chí chỉ vài triệu đồng/tháng.
"Nói về làm nghề này để kiếm tiền trang trải nhà cửa thì chắc không đủ tại vì lương của mình là ăn theo phim, MV ca nhạc… có thì mới làm còn không thì chỉ ăn rồi ở nhà tập võ. Làm cái nghề này việc bị đánh bầm mắt, tét đầu, đập đầu xuống đất là chuyện bình thường”, anh Tuấn tâm sự.
Chia sẻ về quá trình gắn bó với nghề hơn 20 năm, anh Tuấn cười nói: “Cái này là niềm đam mê của bản thân anh rồi, chơi môn này vì đam mê rồi ngồi đợi các anh, chị trong đoàn phim hoặc các đạo diễn mời mình đi đóng thôi chứ công việc chính của anh là ở nhà phụ vợ quản lý cửa hàng làm móng tay cho các chị em phụ nữ”.
Anh Tuấn cho biết thời điểm hiện tại số lượng các bạn trẻ định hướng theo nghề đấm, đá này khá ít. Đa số các bạn đều có ngoại hình và hướng tới con đường diễn xuất nhiều hơn.
Và anh cũng hay khuyên các bạn diễn viên trẻ mới đi vào con đường nghệ thuật này là nên đi học thêm võ điện ảnh đểcó thể hỗ trợ cho nghề diễn sau này.
"Tôi không định hướng các bạn đi theo cái nghề chạy xe, té xe, phóng xe, nhảy lầu, đốt lửa như tụi mình vì nó cực lắm và nguy hiểm lắm mà thu nhập thì không bao nhiêu. Cái nghề này như cái nghiệp của anh rồi nên anh dính với nó rồi đam mê, máu nghề nên mới gắn bó đến bây giờ", anh Tuấn chia sẻ.
Khi được hỏi về việc có bao giờ thấy chạnh lòng vì nghề của mình ít có sự ưu ái, nổi tiếng như diễn viên chuyên nghiệp, anh Đặng Trung Tuấn (Tuấn Zoi) vui vẻ cho biết, đã chấp nhận làm người đóng thế, không một cascadeur nào nghĩ mình sẽ nổi tiếng.
Họ làm vì sự yêu nghề và mong ước cống hiến trọn vẹn cho nghệ thuật, cho khán giả.
"Có nhiều người ngưỡng mộ cascadeur vì tài năng, sự hy sinh cho nghệ thuật. Nhưng cũng có người cho rằng đây là nghề liều mạng, dở hơi, chuyên làm chuyện khác người.
Tuy nhiên, làm nghề dù chỉ một ngày nhưng dám sống chết với nó đã là một hạnh phúc. Diễn viên diễn xuất bằng nội tâm, biểu cảm, còn cascadeur diễn xuất bằng hành động, đấm đá. Khó khăn nguy hiểm là đặc thù của nghề mình, làm sao so sánh được", anh Tuấn chia sẻ thêm.