Đi làm sau giãn cách, người lao động toát mồ hôi khi tìm cách trông con

Nguyễn Hạnh

(Dân trí) - "Từ khi biết được đi làm đủ cả tuần, tôi khá lo lắng. Chăm đứa nhỏ đã khó, đứa lớn học bài cũng cần có người hướng dẫn máy tính", chị Lương Trà My (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), chia sẻ.

Từ 6h ngày 21/9, thành phố Hà Nội thông báo nới lỏng giãn cách, cho phép các cơ quan, công sở, doanh nghiệp làm việc tập trung trở lại tối đa 50% nhân sự. Trong khi đó, các trường học vẫn tiếp tục áp dụng hình thức học trực tuyến. Nhiều người lao động có con nhỏ phải tìm cách để thích nghi, để vượt qua thời điểm đầy thử thách này. 

Sẽ lắp camera trông con

Với chị Lương Trà My, nhân viên cho một ngân hàng nhà nước có trụ sở ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), nỗi lo còn tăng gấp đôi. Bởi ngoài cậu con lớn học lớp 3, chị cũng đang phải loay hoay tìm người trông cô con gái 4 tuổi.

Từ cuối tháng 7, công ty của chồng và cơ quan chị đã yêu cầu làm việc luân phiên theo ngày chẵn lẻ. Vợ chồng chị có thể thay nhau ở nhà vừa làm việc, vừa chăm con.

Đi làm sau giãn cách, người lao động toát mồ hôi khi tìm cách trông con - 1

Chị Lương Trà My trở lại làm việc sau chuỗi ngày giãn cách (Ảnh: NVCC).

Chị Lương Trà My chia sẻ: "Chăm đứa nhỏ đã khó, đứa lớn học bài cũng cần có người biết sử dụng máy tính để tải bài tập và chụp ảnh nộp bài cho cô giáo qua ứng dụng".

Nếu tới tháng 10, học sinh vẫn chưa được trở lại trường thì gia đình chị sẽ tính phương án lắp camera ở nhà để đồng hành cùng con. Con trai 8 tuổi, có thể thực hiện các thao tác cơ bản như bật tắt mic, chủ động nghe giảng và làm bài.

Chị sẽ chuẩn bị máy móc sẵn cho con vào buổi sáng. Khi đến cơ quan sẽ theo dõi qua camera và về nhà trước giờ con tan học. Còn cậu con gái 4 tuổi chị sẽ nhờ dịch vụ trông trẻ ở chung cư trông hộ.

"Nếu phải để con ở nhà, vợ chồng tôi chắc chắn sẽ trang bị các kỹ năng cần thiết để con tự bảo vệ mình, phòng chống giật điện, cháy nổ. Bên cạnh đó, cũng thường xuyên nhắn tin với cô giáo để theo dõi tình hình của con", chị Lương Trà My nói.

Nhờ hàng xóm để ý hộ

Để hòa nhập với điều kiện làm việc mới, chị Phạm Thị Mai Hương - công nhân cho một xí nghiệp bán lẻ xăng dầu ở quận Bắc Từ Liêm Hà Nội - đành chấp nhận cân đối thời gian dành cho con nhiều hơn sau giờ làm việc.

"Đợt dịch bùng phát năm 2020, tôi đã gửi con cho dịch vụ trông giữ trẻ tự phát. Đợt bùng phát năm nay, con gái đã vào lớp một và cần có người học cùng, thao tác trên thiết bị học trực tuyến" - chị Phạm Thị Mai Hương kể.

Hà Nội hết giãn cách công việc chị Phạm Thị Mai Hương ngày một bận rộn hơn. Ngoài những lúc đi làm thời gian rảnh rỗi chị tranh thủ dạy con học và làm bài tập. Trước đây đi làm về mệt chị có nghỉ ngơi, giờ con vào lớp một không có thời gian nghỉ có những hôm kèm con học đến 22h mới xong.

Đi làm sau giãn cách, người lao động toát mồ hôi khi tìm cách trông con - 2

Chị Lê Thị Tám đi bán hàng rong sau một thời gian nghỉ giãn cách.

Còn gia đình chị Lê Thị Tám làm nghề bán hàng rong được hơn 20 năm tại Hà Nội. Người phụ nữ 41 tuổi này chia sẻ: "Hà Nội hết giãn cách gia đình tôi vui lắm. Nhưng tôi cũng khá lo lắng khi con trai tôi học lớp 5 đang học trực tuyến ở nhà".

Trước đây, vợ chồng tôi chia nhau đi khắp các ngõ, phố Hà Nội để bán chổi. Thu nhập bình quân của 2 vợ chồng từ 300.000-500.000 đồng/ngày. Từ khi dịch bùng phát thu nhập bấp bênh, gần 2 tháng nay vợ chồng tôi không có thu nhập.

Theo chị Lê Thị Tám cho biết, từ ngày Hà Nội hết giãn cách vợ chồng chị quay lại công việc, để con ở nhà nhờ hàng xóm để ý hộ. Tranh thủ vào buổi trưa ít khách vợ chồng chị về thăm con.