Đề xuất tăng quyền lợi thai sản, ốm đau
(Dân trí) - Công nhân lao động TPHCM đề nghị tăng thêm quyền lợi cho người lao động trong chế độ thai sản, ốm đau khi sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Trong các đợt góp ý cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi, người lao động TPHCM đều nhận định chế độ ốm đau, thai sản là chính sách quan trọng của hệ thống an sinh, giúp người lao động có thu nhập khi chẳng may rơi vào cảnh bệnh tật hoặc có kế hoạch sinh con, phải nghỉ làm dài ngày.
Theo số liệu thống kê, số lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau không ngừng tăng lên qua các năm. Trong 6 năm (từ 2016 đến 2021) đã có trên 45 triệu lượt người được giải quyết hưởng chế độ ốm đau.
Số lượt người được giải quyết hưởng chế độ thai sản cũng không ngừng tăng lên từ khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực. Trong 6 năm (từ năm 2016 đến 2021) đã có trên 10 triệu lượt người được giải quyết hưởng chế độ thai sản.
Tuy nhiên, người lao động thành phố đánh giá chính sách này còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Theo chị Phạm Thị Ánh Ngọc, quản lý nhân sự ở công ty TNHH Nikkiso (quận 7, TPHCM), hiện chế độ ốm đau chỉ mới cho phép cha/mẹ nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ bệnh nặng nhưng chưa cho chồng/vợ nghỉ việc để chăm sóc vợ/chồng bị bệnh.
Tại công ty của chị Ngọc có nhiều trường hợp chồng bị bệnh nặng, vợ không được nghỉ để chăm sóc và ngược lại. Trong khi đó, có rất nhiều trường hợp người lao động bệnh nặng hoặc phải phẫu thuật, cần người thân bên cạnh ký giấy tờ phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu…
Chị Ngọc cho rằng: "Người trong độ tuổi lao động rất ít khi xin nghỉ bệnh, chỉ khi nào bệnh nặng hoặc phải phẫu thuật mới nghỉ. Thời điểm đó, ai cũng rất cần người chăm sóc".
Vì vậy, chị Ngọc đề nghị bổ sung quy định cho phép chồng/vợ nghỉ việc để chăm sóc vợ/chồng bị bệnh nặng phải nằm viện trong dự Luật BHXH sửa đổi. Nếu trong gia đình chỉ có vợ hoặc chồng tham gia BHXH thì khi người kia bị bệnh, người tham gia BHXH cũng được nghỉ việc hưởng BHXH để chăm sóc bạn đời.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Đại Dũng (huyện Bình Chánh, TPHCM) thì đề xuất nâng tuổi của trẻ em cho trường hợp cha/mẹ được phép nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ bị bệnh.
Theo ông, theo quy định hiện hành, con dưới 7 tuổi bị bệnh cha mẹ mới được nghỉ việc để chăm con. Điều kiện đó chưa hợp lý. Hiện công nhân ở TPHCM đa phần là người ngoại tỉnh, thuê trọ để sinh sống, thường không có người thân bên cạnh để nhờ cậy chăm sóc khi con bị bệnh.
Ông Hùng đặt vấn đề: "Cho dù trẻ học lớp 5, khoảng 10-11 tuổi bị ốm đau, phải nghỉ học ở nhà, có cha mẹ nào dám để con ở phòng trọ một mình?".
Vì vậy, ông đề nghị xây dựng quy định căn cứ theo Luật Trẻ em, chỉ cần con dưới 16 tuổi, còn là trẻ em thì cha mẹ được nghỉ làm hưởng bảo hiểm khi chăm con ốm bệnh.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, cho rằng: "Hầu hết người lao động đều đề nghị nâng tuổi con nhỏ ốm đau trong quy định về trường hợp cha mẹ được quyền nghỉ việc chăm con. Độ tuổi hợp lý là dưới 13 tuổi".
Chị Phạm Thị Ánh Ngọc cũng kiến nghị sửa đổi các quy định về chế độ thai sản. Theo chị Ngọc, hiện Luật BHXH quy định lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần trong thai kỳ là không đủ.
Chị nói: "Phụ nữ thường khám thai hằng tháng, thai kỳ 9 tháng 10 ngày là đi khám 9 lần, chưa kể 2 tháng cuối thai kỳ thường phải khám 2-3 lần mỗi tháng".
Công ty của chị Ngọc thống nhất tạo điều kiện cho lao động nữ mang thai nghỉ việc có hưởng lương thêm 1 ngày mỗi tháng trong 3 tháng cuối của thai kỳ để đi khám thai.
Như vậy, lao động nữ ở công ty Nikkiso được nghỉ 8 ngày để đi khám thai. Dù vậy, chị Ngọc vẫn đánh giá thời gian đó chưa đủ. Chị đề nghị tăng số lần lao động nữ được nghỉ việc có hưởng BHXH để đi khám thai lên ít nhất là 9 lần trong suốt thai kỳ.