Đắk Lắk: Trẻ em rối loạn phổ tự kỷ được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng
(Dân trí) - Trẻ rối loạn phổ tự kỷ sẽ được hỗ trợ, can thiệp bằng nhiều phương pháp nhằm sớm hòa nhập với cộng đồng.
Ngày 27/11, Quỹ Bảo trợ trẻ em, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án nâng cao nhận thức và hỗ trợ can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
Tự kỷ là một rối loạn lan tỏa sự phát triển do bất thường của não bộ xuất hiện sớm trong những năm đầu đời. Cuối năm 2018, Việt Nam đã có khoảng 200 nghìn người mắc rối loạn phổ tự kỷ. Các chuyên gia nhận định, tự kỷ ở Việt Nam có chiều hướng gia gia tăng nhanh chóng, càng phức tạp hơn cuộc sống hiện đại.
Tuy tự kỷ khá phức tạp nhưng thực tế cho thấy nếu trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, chăm sóc, điều trị, giáo dục đúng cách và phù hợp thì trẻ sẽ có những tiến bộ đáng kể. Trẻ có thể đi học và tìm việc làm phù hợp với khả năng của để có cuộc sống độc lập và hòa nhập với cộng đồng xã hội.
Xác định được tầm quan trọng trong hỗ trợ hòa nhập cho trẻ tự kỷ, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk/Hàn Quốc thực hiện Dự án Nâng cao năng lực và hỗ trợ can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ tỉnh Đắk Lắk với kinh phí 39.000 USD
Mục tiêu của dự án là cung cấp kiến thức cơ bản và các dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ, nâng cao nhận thức, chất lượng công tác chăm sóc trẻ tự kỷ và xây dựng mạng lưới phối hợp giữa các Trung tâm hỗ trợ với gia đình và cộng đồng.
Ông Lâm Đình Nhiên - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Đắk Lắk - cho biết, Dự án được triển khai từ tháng 4/2020 đã giúp cho 100 trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn phát triển được can thiệp bằng nhiều phương pháp như: nhận thức, bắt chức, vận động thô, vận động tinh, tự lập, bắt chước xã hội, ngôn ngữ - giao tiếp, tương tác xã hội, hoạt động trị liệu, điều hòa cảm giác, hoạt động vui chơi...
Bên cạnh đó, 40 giáo viên, kỹ thuật viên trực tiếp chăm sóc trẻ tự kỷ được huấn nâng cao năng lực. Khoảng 100 phụ huynh được tham gia lớp tập huấn, được truyền thụ thêm kiến thức cơ bản, dấu hiệu nhận biết tự kỷ, các kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ, được hướng dẫn cách dạy và chơi với trẻ tại gia đình; các chương trình chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ và vai trò của cha mẹ trong can thiệp phục hồi.
"Quan trọng hơn, dự án sẽ tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ tự kỷ và gia đình các cháu. Dự án cũng tổ chức các hoạt động truyền thông mở rộng cho các gia đình có trẻ em tự kỷ và cộng đồng xã hội được hiểu biết, nâng cao nhận thức và trang bị một số kiến thức cơ bản về trẻ em tự kỷ", ông Nhiên cho hay.
Ngoài ra, còn tổ chức đợt khám sàng lọc chẩn đoán nhằm phát hiện sớm những trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ để giúp các em được can thiệp sớm, sớm hòa nhập cộng đồng. Tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, vui chơi cho trẻ em tự kỷ và hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng cho các em.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho Trung tâm hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) vì có thành tích trong triển khai thực hiện các dự án nhân đạo tại tỉnh Đắk Lắk.