Đắk Nông chú trọng phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thúy Diễm

(Dân trí) - Với nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Nông, những năm qua thu nhập người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm.

Tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 32%, có 3 dân tộc tại chỗ M'Nông, Mạ và Êđê.

Tình hình chính trị - xã hội của Đắk Nông trong thời gian qua ổn định, tiềm lực quốc phòng - an ninh được giữ vững. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Đắk Nông chú trọng phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số - 1

Công tác dân tộc, chính sách dân tộc được chú trọng triển khai tại Đắk Nông (Ảnh: Báo Đắk Nông).

Tuy nhiên, với vị trí địa lý đặc thù và đặc điểm tình hình chung khu vực Tây Nguyên, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền xuyên tạc, kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nhằm chống phá.

Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là nhân dân ở khu vực biên giới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Qua 5 năm thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024, triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách đặc thù, đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho đồng bào DTTS trên địa bàn, qua đó, đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 1,5 lần so với thu nhập hiện nay (tăng từ 47,7 triệu lên 70 triệu tính đến năm 2025); tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 4-5%; số xã đặc biệt khó khăn giảm 30% và số thôn đặc biệt khó khăn so với hiện nay giảm 50%. Trên 99% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia

Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%, lao động đến tuổi có việc làm, thu nhập ổn định trên 90%; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu học tập; 90% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong 22 mục tiêu chính của Chiến lược dân tộc giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban Dân tộc, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện đạt 11 mục tiêu trong năm 2023 (đạt 50% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025) và đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 22 mục tiêu.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh Đắk Nông cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế khi thực hiện các chính sách dân tộc tại địa phương. Điển hình là việc hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn cao, số hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững; cơ sở hạ tầng nhiều nơi xuống cấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp.

Ngoài ra, một bộ phận trong đồng bào vẫn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động vươn lên; chưa nắm bắt được yêu cầu, chưa hiểu rõ mục đích và nội dung chính sách, nên một số nơi gặp khó khăn trong triển khai thực hiện.

Một số chương trình, dự án triển khai còn chậm, nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra. Nguồn vốn của Trung ương và của tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào DTTS còn hạn chế và đầu tư dàn trải, nhất là lĩnh vực nông nghiệp. Một số vấn đề bức xúc như thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt giải quyết chưa hiệu quả…

Do đó, tỉnh Đắk Nông đã đề ra nhiều bài học, giải pháp để thực hiện tốt chính sách về dân tộc, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật đối với đồng bào DTTS.

Đối với các chương trình, chính sách dân tộc phải phù hợp với thực tiễn, tính khả thi. Coi trọng phối hợp giữa các ngành, các cấp, lồng ghép các chương trình, chính sách và huy động các nguồn lực ngoài để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải manh mún.

Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt và tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án định canh, định cư gắn với quy hoạch sắp xếp, hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng di cư tự phát để ổn định, phát triển bền vững vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.