1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đắk Lắk: Người lao động trông đợi gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ

Thúy Diễm

(Dân trí) - Nhận được thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ đến người lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều người dân ở Đắk Lắk bày tỏ sự phấn khởi và trông đợi.

"Sự trợ giúp lúc khó khăn"

Từ 2 tháng nay, chị Hoàng Thị Huệ (trú tại TP Buôn Ma Thuột), nhân viên của một công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, phải tạm thời ngừng công việc và không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tình hình dịch kéo dài từ năm 2020, nhân viên của công ty chị đã bị giảm lương 50%. Đến năm 2021, chị phải tạm nghỉ không có lương vì công ty không có doanh thu.

Nhiều nỗi lo lắng thường trực đang đè lên đôi vai chị bởi chị đang mang thai tháng thứ 7. Ngoài việc thắt chặt chi tiêu, cầm cự qua ngày thì chị còn lo không biết kiếm đâu ra tiền để trang trải trong những ngày ở cữ tới đây.

Đắk Lắk: Người lao động trông đợi gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ - 1

Không ít lao động tại Đắk Lắk gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.

"Dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến người làm du lịch như chúng tôi, các tour đều bị hủy hết, khách đặt cọc tiền trước cũng phải hoàn trả lại khiến khó khăn chồng chất", chị Hoàng Thị Huệ cho hay.

Vừa qua, chị và đồng nghiệp công ty phấn khởi chia sẻ với nhau thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Đây giống như một chiếc "phao cứu sinh" giúp chị và mọi người có thể phần nào vượt qua sự khó khăn của cuộc sống hiện tại.

"Gói hỗ trợ sẽ giúp chúng tôi trong thời gian khó khăn này, tôi mong thủ tục để người lao động nhận hỗ trợ sẽ đơn giản, nhanh gọn và được sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía chính quyền", chị bày tỏ.

Đắk Lắk: Người lao động trông đợi gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ - 2

Trước thông tin gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ, người lao động bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 rất mong chờ.

Năm 2020, gia đình bà Nguyễn Thị Xin (ngụ phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) hành nghề bán vé số lưu động, nhận được gói hỗ trợ người lao động ảnh hưởng của dịch. Khoản này phần nào giúp gia đình bà đỡ khó khăn trong thời điểm tạm ngưng công việc.

"Sắp tới, nếu được các cấp ngành, quan tâm tiếp tục hỗ trợ người bán lẻ vé số như chúng tôi thì rất mừng, vì dịch bệnh mọi thứ đều rất khó khăn", bà Nguyễn Thị Xin cho hay.

Sẽ sớm ban hành

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Minh Lý - Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk) - cho biết: "Sở đang xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh triển khai các bước cụ thể gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ".

Đắk Lắk: Người lao động trông đợi gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ - 3

Nhóm lao động tự do đang được rà soát để hỗ trợ.

Theo bà Trần Thị Minh Lý, dự kiến ngày 16/7, Sở sẽ trình kế hoạch triển khai để UBND tỉnh ban hành quyết định.

Còn đối với nhóm lao động phổ thông (không có giao kết hợp đồng lao động) gặp khó khăn do đại dịch covid-19 trên địa bàn, Sở đã có văn bản gửi các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố về việc tham gia ý kiến dự thảo quyết định hỗ trợ nhóm lao động này trước ngày 15/7. Từ đó, Sở sẽ tổng hợp, chỉnh sửa, hoàn thiện trình UBND tỉnh ban hành quyết định.

Bà Trần Thị Minh Lý chia sẻ: "Đây là chính sách mới của địa phương, đồng thời, việc hỗ trợ cho người lao động phải được thực hiện một cách kịp thời, đúng quy định".

Do đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị khẩn trương tham gia ý kiến với tinh thần trách nhiệm để cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo trình UBND tỉnh nhằm đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống.

Theo Trưởng phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, nhóm lao động phổ thông, lĩnh vực dịch vụ vận tải là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất do UBND tỉnh quyết định tạm ngưng một số tuyến từ Đắk Lắk đến các địa phương có dịch, nhất là tuyến Đắk Lắk - TPHCM và ngược lại.

Hiện số lượng người lao động bị ảnh hưởng đang được các đơn vị tiến hành rà soát, lập danh sách hỗ trợ.

Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng

Theo Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm:

Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.

Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0).

Chính sách hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.

Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.

Chính sách lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.