Đại sứ kỹ năng nghề VN: "Bài học nghề đầu tiên đến từ người bố làm thợ mộc"

Hải An

(Dân trí) - "Bố em đã nói đúng, với kỹ năng nghề được đào tạo bài bản, em sẽ có cơ hội được tuyển dụng và làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Đây là lựa chọn phù hợp nhất với hoàn cảnh em và gia đình..."

Đó là chia sẻ với PV Dân trí của bạn Nguyễn Văn Hưng - 1 trong 10 vị đại sứ kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam.

Tháng 7/2020, với thành tích đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc nghề cơ điện tử tại Kỳ thi Tay nghề thế giới năm 2019, “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XI, Nguyễn Văn Hưng đã vinh dự được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đưa vào danh sách 10 đại sứ kỹ năng nghề của Việt Nam.

Lựa chọn thực tế

Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Văn Hưng (SN 1998, Sóc Sơn, Hà Nội) thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin của một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Học kỳ đầu tiên ở giảng đường đại học, Hưng được học rất nhiều kiến thức lý thuyết.

Tuy nhiên, Hưng nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi khi chương trình học quá nặng lý thuyết.

Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam Nguyễn Văn Hưng chia sẻ lựa chọn nghề nghiệp

Hưng nghĩ đến chặng đường dài 4 năm phía trước, nhớ đến những người tốt nghiệp đại học xong vẫn chật vật tìm việc làm, câu chuyện  nhờ đến quan hệ thân quen mới xin được việc.

Với hoàn cảnh kinh tế không khá giả của gia đình, chàng trai trẻ đã quyết định nghỉ học ở trường đại học và tìm cơ hội thử sức ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Quyết định của Hưng đột ngột với gia đình, nhất là mẹ Hưng. Nhiều lần bà khuyên Hưng suy nghĩ lại. Trong khi đó, bố Hưng lại bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ quyết định của con trai.

Đại sứ kỹ năng nghề VN: Bài học nghề đầu tiên đến từ người bố làm thợ mộc - 1

Nguyễn Văn Hưng (bên phải) tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới tại Nga năm 2019.

Từ kinh nghiệm của một người thợ mộc lâu năm, ông cho rằng: Với kỹ năng nghề được đào tạo bài bản, Hưng sẽ có cơ hội tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp và có thể tự tin vào việc ngay. Còn nếu chọn con đường đại học, Hưng phải nỗ lực để có tấm bằng loại giỏi, bằng không sẽ chật vật. 

“Bố cũng dặn em, theo lựa chọn nào thì phải kiên trì, bền gan vững chí với lựa chọn đó mới có thể thành công”, Hưng nhớ lại.

Khẳng định trình độ

Quyết định là làm, Hưng đã "đầu quân" vào Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Ngành học cơ điện đòi sinh viên có kiến thức tổng hợp từ các nghề: Kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính.

Với thời gian thực hành chiếm đến 70%, lý thuyết áp dụng ngay vào thực hành đã giúp Hưng hiểu nắm chắc bài học.

Hưng chia sẻ, mỗi bài tập của nghề cơ điện tử là một thử thách khác nhau. Nhiều vấn đề kỹ thuật của nghề này, ngoài nỗ lực cá nhân còn đòi hỏi cả tư duy đồng đội, thậm chí có lúc phải tranh luận mới ra vấn đề.

Nhưng vượt qua những khó khăn ban đầu, sau mỗi lần xử lý thành công một vấn đề, Hưng cùng các bạn có được cảm giác hứng thú nhiều hơn nữa.

Đại sứ kỹ năng nghề VN: Bài học nghề đầu tiên đến từ người bố làm thợ mộc - 2

Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam Nguyễn Văn Hưng (bên phải) cùng em trai.

Với sự nỗ lực học tập, năm 2019, Nguyễn Văn Hưng đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) chọn tham gia cùng đội tuyển Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới tại Nga.

Chung cuộc, Nguyễn Văn Hưng và bạn học cùng trường đã đạt 2 Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc nghề cơ điện tử, góp phần vào thành tích chung của đoàn thí sinh Việt Nam.

Chia sẻ sau chiến thắng, Hưng nói: “Chuyển hướng từ đại học sang học nghề, có thể thành công của tôi sẽ đến chậm hoặc sớm hơn các bạn. Tuy nhiên, điều đầu tiên tôi có được là kỹ năng thực hành, khả năng làm việc với các thiết bị máy móc cụ thể, rõ ràng chứ không phải lý thuyết mơ hồ”.

Nhớ lại lúc trở về từ Kỳ thi Tay nghề thế giới, Hưng xúc động khi chứng kiến cảnh bố mẹ lên tận sân bay đón.

"Mẹ đặt vào tay em bó hoa để chúc mừng rồi lặng lẽ khóc. Đó là lần đầu tiên trong đời em thấy mẹ cầm hoa đi tặng”, Hưng xúc động nói.  

Được biết, tháng 9/2020 Hưng sẽ tốt nghiệp ra trường. Em đã được Tập đoàn Samsung “đỡ đầu” với nhiều cơ chế thuận lợi: Trau dồi kiến thức chuyên môn, tiếp tục được học lên trình độ thạc sĩ. Có một nghề tốt trong tay, một công việc tốt, một tương lai tươi sang đang chờ đợi Hưng phía trước.

Chia sẻ thêm về danh hiệu Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam, Hưng cho rằng đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực và cũng đặt ra trách nhiệm trong việc lan tỏa giá trị của giáo dục nghề nghiệp đến các bạn trẻ.

“Em mong muốn có nhiều cơ hội tiếp xúc, chia sẻ với các bạn trẻ trên toàn quốc để chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chọn trường, chọn nghề. Từ đó, các bạn có thể nhận ra rằng, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công”, Hưng nói.

Đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ, Hưng nói: “Hãy tìm hiểu kỹ càng và mạnh dạn chọn cho mình một môi trường học tập phù hợp sở thích, khả năng của bản thân. Cứ theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi các bạn”.

Cũng đang là một sinh viên hệ cao đẳng, bạn Nguyễn Văn Huân - em trai Đại sứ kỹ năng nghề Nguyễn Văn Hưng - chia sẻ: “Câu chuyện của anh Hưng cùng rất nhiều tấm gương thành công khác không chỉ góp phần thay đổi nhận thức của mẹ mà còn truyền cảm hứng cho em có lựa chọn với nghề cơ điện”.