Quảng Trị:
Cựu chiến binh dựng bia tưởng niệm đồng đội
(Dân trí) - Tưởng nhớ các đồng đội đã anh dũng hy sinh, nằm lại giữa núi rừng, các cựu chiến binh đã vận động kinh phí dựng bia tưởng niệm để tri ân người đã ngã xuống nơi mảnh đất Quảng Trị.
Nhiều năm qua, khu tưởng niệm liệt sĩ tại Hồ Khê, xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) trở thành nơi thăm viếng, tri ân của các cựu chiến binh Trung đoàn 27 (Mặt trận B5) khi trở về chiến trường xưa, về bên đồng đội.
Khu tưởng niệm được xây dựng vào năm 2008 để tưởng nhớ 13 liệt sĩ Trung đoàn 27 đã chiến đấu và anh dũng hy sinh cùng ngày 28/2/1969.
Sau hàng chục năm khi chiến tranh kết thúc, nơi này đã mọc lên những rừng tràm xanh ngút, nhưng ít ai biết rằng nơi đây quân ta và địch phải chiến đấu, giành từng tấc đất. Di tích Hồ Khê (xã Cam Tuyền) nằm khuất giữa cánh rừng tràm, cách đường Hồ Chí Minh chừng 5km.
Dẫn chúng tôi đến thăm khu tưởng niệm liệt sĩ tại Hồ Khê, ông Nguyễn Minh Kỳ - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị hồi tưởng: "Ngày ấy, khu vực phía Tây của huyện Cam Lộ ngày nay là chiến trường khá ác liệt. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, bước qua năm 1969, địch bắt đầu phản kích ra khu vực Bắc Quảng Trị. Chúng thực hiện 2 gọng kìm nhằm tìm diệt lực lượng bộ đội chủ lực của ta".
Dọc hai bên Đường 9 cứ vài cây số có một đơn vị lính Mỹ cả bộ binh lẫn pháo binh, quân số cỡ trung đoàn đóng quân. Khu vực Hồ Khê - Đá Bạc là căn cứ quan trọng mà chúng nhắm tới.
Theo ông Nguyễn Minh Kỳ khi đó là chỉ huy trưởng Quân sự huyện Cam Lộ xúc động, lúc 8h ngày 28/2/1969, bộ đội chủ lực thuộc Đại đội 1 và Đại đội 2 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 27) phối hợp với quân địa phương do ông Nguyễn Minh Kỳ chỉ huy đã chiến đấu với 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở Hồ Khê - Đá Bạc (thuộc xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ).
"Quân địch điều đến 1 tiểu đoàn thiện chiến, áp sát vào khu vực anh em đóng quân. Các cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng từ 8h đến 16h. Chúng triển khai nhiều đợt tấn công, huy động xe tăng, pháo cối… Đến chiều, mặc dù lực lượng ít hơn nhiều, nhưng anh em đã tiêu diệt 84 tên, làm bị thương 22 tên và phá hỏng một số phương tiện của địch".
Sau ít phút trầm tư, ông Nguyễn Minh kỳ tiếp lời: "Do gánh chịu thiệt hại lớn, giặc điên cuồng huy động toàn hỏa lực từ không quân, pháo binh và bộ binh trút đạn như mưa vào trận địa của Trung đoàn 27. Cả 13 anh em đang ở trong vị trí chiến đấu hôm đó đều hy sinh".
Đến sáng hôm sau, đơn vị của ông Kỳ mới đi gom từng phần thi thể của đồng đội rồi mai táng tại Hồ Khê, làm nấm mồ chung.
Ông Nguyễn Minh Kỳ cho biết, nhiều năm sau, việc tìm kiếm gặp khó khăn. Đến khoảng năm 2002, ông và đồng đội mới tìm được nơi chôn cất các cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống, nhờ tin báo của những người dân đi tìm phế liệu.
Vào cuối năm 2008, ông Nguyễn Minh Kỳ và các đồng đội Trung đoàn 27 cùng người thân đã xây dựng bia tưởng niệm 13 liệt sĩ hy sinh tại Hồ Khê, xã Cam Tuyền để tưởng nhớ những người đã hy sinh. Trong đó, gia đình ông Kỳ đã đóng góp một khoản không nhỏ.
Khu vực trung tâm là Bia tưởng niệm khắc chữ: "Các liệt sĩ Trung đoàn 27 (mặt trận B5) đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng ngày 28/2/1969 tại Hồ Khê, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị…". Phía bên trái là bia ghi danh 13 liệt sĩ Trung đoàn 27.
Mỗi lần đến Hồ Khê dâng hương cho đồng đội, ông Vũ Đình Lân (thôn Lâm Lang, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ) người cùng chiến đấu với ông Kỳ không nén được xúc động.
Theo ông Lân, những đồng đội Trung đoàn 27 dù đã được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, nhưng địa điểm Hồ Khê là nơi các anh đã anh dũng chiến đấu và hy sinh nên mỗi năm các đồng đội còn sống đều tập trung về đây tưởng niệm người đã khuất.
"Chúng tôi may mắn còn sống đến hôm nay, nhưng các anh đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh để bảo vệ mảnh đất Quảng Trị, góp phần đưa đất nước đến ngày thống nhất. Việc chăm sóc mộ phần, khói hương cho đồng đội cũng là trách nhiệm của chúng tôi", ông Lân xúc động.