1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cuộc đời sóng gió của những kẻ bán con

Chuyên án khám phá đường dây mua bán 31 trẻ sơ sinh là một chiến công đặc biệt của Công an tỉnh Bình Dương. Các bị can bị bắt giữ đều là mẹ của những đứa con…

Họ từng mang nặng đẻ đau, từng trải qua nỗi đau khổ, nhớ nhung khi phải lìa xa núm ruột nhưng vì đồng tiền, họ dễ dàng mờ mắt.

Đến khi biết mình vướng vòng lao lý, ai cũng khóc. Có những giọt nước mắt vì hối hận, ăn năn, có những giọt nước mắt khóc vì lầm lỡ và có những giọt nước mắt đắng cay, khóc vì biết rằng mình phải trả cái giá đắt cho hành vi phạm tội của mình…

Những giọt nước mắt muộn màng

Chu Thị Cúc Phương (SN 1982, quê Khánh Hòa), kẻ được xác định là đối tượng thực hiện 24/31 vụ mua bán trẻ sơ sinh. Phương cho biết quê gốc ở Nghệ An nhưng sau đó di cư vào Khánh Hòa sinh sống. Phương có chồng và 3 con nhưng đã chia tay chồng từ năm 2019. Thời điểm này Phương làm nấu ăn trong một khách sạn ở Nha Trang để nuôi con ăn học và chung sống như vợ chồng với một người đàn ông quê ở Đắk Nông.

Cuộc đời sóng gió của những kẻ bán con - 1
Đối tượng Chu Thị Cúc Phương.

Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất, Phương bị mất việc nên gửi lại con cho hai bên nội, ngoại nuôi dưỡng còn mình cùng người tình trôi dạt vào tỉnh Bình Thuận để tìm kế sinh nhai. Người tình của Phương làm công trình xây dựng còn Phương nấu cơm bán cho các thợ hồ ở công trình...

Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, đôi tình nhân lại mất việc nên quyết định về Đắk Nông để "làm lại từ đầu". Người tình của Phương làm công cho các chủ vườn cà phê, còn Phương ở nhà lo nội trợ. "Thời gian rảnh rỗi ở nhà tôi thường truy cập mạng xã hội như Facebook, Zalo thì phát hiện có rất nhiều hội nhóm "cho và nhận con nuôi" nên nảy sinh ý định kết nối giữa người cho con và nhận con nuôi. Bên cạnh việc môi giới, tôi còn trực tiếp mua bán 3 trẻ sơ sinh" - Phương cho biết.

Phương chuyên nghiệp ở chỗ tổ chức nuôi dưỡng các thai phụ ngay tại nhà của mình. Ai lỡ mang thai ngoài ý muốn mà muốn giấu giếm gia đình, hàng xóm thì Phương nhận về chăm sóc. Trong thời gian này, cũng thông qua mạng xã hội, Phương tìm người để bán. Ai có nhu cầu thì đăng ký với Phương và cung cấp giấy tờ tùy thân. Để đến khi người bán sinh con sẽ làm giấy tờ giả mang tên mẹ là người mua con nhằm hợp thức hóa cho đứa trẻ sau này. "Tính ra mỗi đứa trẻ được bán, sau khi trừ hết chi phí, tôi kiếm được khoảng 3-5 triệu đồng. Tôi biết mình làm vậy là sai nhưng không nghĩ tội mình lại nặng đến thế", Phương vừa nói, vừa khóc nức nở. Tiếng khóc càng nặng lòng hơn khi nhắc về những đứa con.

Phương bảo rất nhớ các con vì lâu rồi không gặp cũng không nghe được giọng nói của chúng. Nhưng, nỗi sợ nhất của Phương bây giờ là đối diện với các con bởi những tội lỗi mà mình gây ra khó mà dung thứ...

Nguyễn Thị Ngọc Như (SN 1993, nguyên quán TP Hồ Chí Minh), kẻ thực hiện 5 vụ mua bán trẻ sơ sinh cũng có 2 đời chồng. Người chồng thứ nhất có với nhau 1 đứa con. Khi chia tay, Như giao con cho chồng nuôi. Không lâu sau thì "đi thêm bước nữa" và có thêm 3 người con. Đến khi vừa mang bầu đứa con thứ 4 thì gia đình xảy ra lục đục.

Cuộc đời sóng gió của những kẻ bán con - 2

Đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Như.

"Chồng đánh đập, đuổi tôi ra khỏi nhà. Mẹ tôi có nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng không có kết quả nên tôi dẫn theo đứa nhỏ nhất ra đi và làm công nhân gỗ ở thị xã Tân Uyên (Bình Dương) để kiếm sống qua ngày. Đến khi đứa con thứ tư mang bầu được hơn 7 tháng thì tôi nghỉ việc. Không tiền không bạc nên tôi có ý định cho đứa con này. Bạn bè ở cùng phòng trọ kêu tôi lên mạng tìm người nhận con nuôi. Tôi tìm được và người nhận đã lo hết cho tôi tiền ăn uống, bồi dưỡng và viện phí lúc sinh con. Sau khi cho con, tôi có vài lần gọi điện cho người nhận nhưng sau đó thì mất liên lạc, cũng không biết họ ở nơi nào", Như nói.

Sau khi bán con, Như quay lại tiếp tục làm công nhân xưởng gỗ không được bao lâu thì xảy ra đợt dịch COVID-19 lần 4. Cuối năm 2021, khi xã hội trở lại trạng thái "bình thường mới", Như bị mất việc làm nên nảy sinh ý định làm môi giới mua bán trẻ sơ sinh vì đã có kinh nghiệm của chính bản thân mình. Thế là Như lân la đến các bệnh viện phụ sản móc nối với nhân viên, điều dưỡng ở bệnh viện, tìm những bà mẹ mang thai ngoài ý muốn để hỏi "mua". Sau đó Như lên các hội nhóm trên mạng xã hội để rao bán trẻ. Mỗi phi vụ thành công, Như kiếm lời từ 8-20 triệu đồng. Còn nếu người mua có nhu cầu làm hồ sơ giả để hợp thức hóa lai lịch cho đứa trẻ thì Như kiếm lời khoảng 50% trên tổng số tiền.

Nguyễn Thị Mai (quê Tiền Giang) có chồng và một đứa con. Sau khi chồng qua đời, Mai về ở cùng mẹ ruột ở Long An và làm nghề tiếp thị bán hàng. Trong một lần đi nhậu cùng đồng nghiệp, Mai đã quan hệ tình dục với một người đàn ông trong nhóm. Sau đó Mai phát hiện mình có mang. "Thấy người này đã có vợ con nên tôi cam chịu không cho biết chuyện mình có bầu. Tôi không tính chuyện cho con nhưng do gia đình bị nợ nần nên tôi lên mạng tìm người xin con nuôi và đã cho con để lấy 15 triệu đồng", Mai giải thích ngắn gọn về hành vi bán con của mình.

Lê Thị Ngọc Thắm (ngụ Tân Hưng, Long An) mới 22 tuổi nhưng đã có đến 3 mặt con và 2 đời chồng đều không có hôn thú. Người chồng trước của Thắm đã bỏ đi, để lại 2 đứa con thơ dại. Thắm đưa con về ở cùng mẹ ruột, làm nghề buôn bán cá khô để kiếm sống. Không lâu sau, Thắm sống như vợ chồng với một người đàn ông khác và mang bầu đứa thứ 3. Tuy nhiên, khi hay tin con mình sống với Thắm thì ba mẹ người chồng sau không bằng lòng, buộc hai người phải chia tay. "Vừa sinh con xong, em có gọi cho cha chồng nhiều lần để xin tiền trả viện phí và nuôi con nhưng cha không nghe máy. Do gia cảnh quá khó khăn nên em buộc lòng lên mạng xã hội tìm người để cho con thì liên hệ được với chị Như. Sau khi làm thủ tục giả để hợp thức hóa cho bé thì chị Như đưa con em đi và cho em 20 triệu đồng", Thắm nhớ lại. Sau khi bị bắt, Thắm mới hay con mình được Như bán lại một người ở Kiên Giang để làm con nuôi.

Cuộc đời sóng gió của những kẻ bán con - 3
Cán bộ điều tra lấy lời khai đối tượng Lê Thị Ngọc Thắm.

Cũng quê ở Long An là Nguyễn Thị Kim Loan, SN 1989. Loan cũng có chồng và 4 đứa con nhưng đến năm 2020 thì hai người ly thân và chia đều số con để nuôi dưỡng. Tuy nhiên, Loan giao cho cả hai con cho mẹ chồng và mẹ ruột chăm nuôi, còn mình ra đi một mình và làm thuê kiếm sống. Sau đó Loan quen với người đàn ông quê ở Huế và có mang đứa thứ 5. Khi Loan có bầu, người này viện lý do Loan chưa ly dị với chồng cũ nên đã vứt áo ra đi. "Trước khi sanh ít ngày, tôi chỉ còn 1,5 triệu đồng nhưng bác sĩ bảo do tôi phải sinh mổ nên tốn phí gần 20 triệu đồng. Bí quá, tôi lên mạng tìm và gặp được Như. Như lo hết tiền viện phí và cho tôi thêm 11,5 triệu đồng sau khi bắt đứa con đi...", Loan vừa khóc, vừa kể lại...

Và nỗi niềm của những người mua con

Trái ngược với những bà mẹ bán con là những người mua trẻ sơ sinh và họ đã gặp nhau trên mạng xã hội. Niềm khát khao có một đứa con đã thôi thúc chị N. tìm gặp Như và mua một đứa trẻ với chi phí 45 triệu đồng. Chị N. đau buồn cho biết, mình bị vô sinh, nếu muốn có con bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm thì chi phí quá cao, không kham nỗi. Chị biết mình làm vậy là sai nhưng chuyện cũng đã xảy ra rồi nên cố gắng tối đa để hợp tác với cơ quan điều tra sớm làm rõ toàn bộ vụ án. Còn trường hợp chị M. thì khác, sau khi sinh được đứa con trai rồi thì chị bị bệnh hiểm nghèo nên không sinh được nữa. Chị "lân la" lên mạng và tìm gặp Như để xin đứa con gái nuôi cho "có nếp có tẻ". Giá mà chị khôn ngoan hơn, hiểu biết hơn xin con nuôi theo đúng quy định của pháp luật thì đã không rước họa vào thân...

Điều day dứt đọng lại

Thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đầu tháng 7/2022, các trinh sát phát hiện tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Bình Dương (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương) xuất hiện đối tượng nữ có tên gọi là "Trúc", nick Zalo là "Thiên Trúc" thường xuyên tiếp cận nhân viên, y tá, điều dưỡng bệnh viện phụ sản để tìm những phụ nữ đang mang thai hoặc mới sinh con tại bệnh viện nhưng không có nhu cầu nuôi con vì nhiều hoàn cảnh. Sau khi tiếp cận, đối tượng này sẽ đặt vấn đề xin nuôi hoặc mua lại những bé mới sinh sẽ bồi dưỡng cho mẹ bé một số tiền.

Sau một thời gian ngắn xác minh, đối tượng tên Trúc được xác định là Nguyễn Thị Ngọc Như, SN 1993, ngụ TP Hồ Chí Minh. Như tham gia nhiều nhóm kín trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook về việc cho, tặng con nuôi với nhiều tài khoản và tên khác nhau. Ngày 13/8/2022 Phòng CSHS Công an Bình Dương đã xác lập chuyên án đấu tranh với quyết tâm khám phá nhanh chuyên án trong thời gian sớm nhất.

Cuộc đời sóng gió của những kẻ bán con - 4
Một bé sơ sinh bị mua bán trong vụ án này.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 8 đối tượng về hành vi "mua bán người dưới 16 tuổi" và "làm giả, sử dụng tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức", hiện đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Trong số 31 đứa trẻ (có thể nhiều hơn) bị mua bán đến nay cơ quan điều tra chỉ mới xác định được 7 trẻ, số còn lại vẫn đang được kiếm tìm. Số phận của các em như thế nào, có được "may mắn"như 7 đưa trẻ đã phát hiện hay không vẫn là nỗi lòng canh cánh của những người làm án.

Theo Mã Hải - Công an nhân dân