Cuộc đời bi kịch của một vũ nữ
Nghề vũ nữ cho Ngọc Lai cả tình lẫn tiền nhưng cũng lấy đi tất cả. Để giờ đây khi ở tuổi gần thất thập và tay trắng, bà Lai bảo rằng nếu được chọn lại sẽ không bao giờ bước vào nghề này...
16 tuổi, Nguyễn Thị Ngọc Lai bước chân vào nghề vũ nữ. Thập niên 50-60 của thế kỷ trước, danh tiếng vũ nữ Ngọc Lai nổi như cồn, dân chơi vũ trường Sài Gòn không ai là không biết. Nghề vũ nữ cho Ngọc Lai cả tình lẫn tiền, nhưng nó cũng lấy đi tất cả. Để giờ đây khi ở tuổi gần thất thập và sống trong cảnh tay trắng, Ngọc Lai bảo rằng nếu được chọn lại sẽ không bao giờ bước vào cái nghề "lên voi xuống chó" như thế này.
Đứa con lai bị bỏ rơi
Ba Ngọc Lai là một doanh nhân nước ngoài, ông tới Việt Nam buôn bán vải ở chợ Bình Đông. Sau khi có lệnh phải về nước, ông bỏ lại người vợ và một đàn con ở lại Việt Nam. Thời gian sau, mẹ Ngọc Lai đi thêm bước nữa, những đứa con nheo nhóc tự nuôi nhau.
Ngọc Lai là chị lớn nên gánh hết phần trách nhiệm. Sống với má, dượng và 13 đứa em, Ngọc Lai thấy khổ quá nên xin chị dâu dẫn đi làm. Học nhảy đầm rất khó, vừa học xong thì đã quên ngay. Nhiều khi quá nản, Ngọc Lai muốn bỏ cuộc nhưng chị dâu khuyên, ráng học đặng đi làm giúp đỡ má.
Hoàn cảnh và thời cuộc đưa đẩy, Ngọc Lai phải dấn thân vào chốn đèn mờ, ngày đêm quay cuồng với nhảy đầm, rượu và những cuộc hẹn hò. Nhắc lại chuyện cũ, Ngọc Lai kể nếu chỉ làm vũ nữ đơn thuần sẽ không thể sống nổi vì một đêm, tiền kê (thù lao) chỉ 500 đồng. Bởi vậy, họ phải cặp bồ với những đại gia hoặc các sếp trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa. "Hạng sĩ quan phải thật ngon lành tôi mới nhào vô, xong là tôi nhào ra", vũ nữ Ngọc Lai kể.
Bập bẹ vào nghề nhưng hễ ra sàn là gã đàn ông nào cũng muốn nhảy với Ngọc Lai. Những điệu Bipop, Tango Lai toàn đạp vào chân bạn nhảy nhưng nhờ có nhan sắc lấn át khiến cánh đàn ông bị mê muội mà cho qua hết.
Trong vòng xoáy vũ trường và tình - tiền
Một năm sau, Ngọc Lai bắt đầu xâm nhập sâu vào thế giới giang hồ và nhanh chóng "học" đượ chết những mánh nanh nọc chẳng thua kém một ai, sẵn sàng đấm đá, đổ máu để tranh giành khách.
Năm 1971, Ngọc Lai tham gia trong một trận giao tranh băng nhóm giang hồ địa bàn của đàn chị Jacqueline. Cuộc chiến kết thúc khi cảnh sát ập tới. Vì nghĩa khí và muốn trả ơn đàn chị của mình nên Ngọc Lai đã nhận tội và đi tù thay cho Jacqueline. Tòa án Sài Gòn tuyên án 3 năm tù nhưng nhờ "các thế lực bên ngoài hỗ trợ" nên Lai chỉ phải "bóc lịch" 11 tháng.
Để tồn tại trong thế giới "đèn mờ", vũ nữ phải có một thế lực tầm cỡ bảo vệ. Thời đó, một trong những nhân vật quyền lực giang hồ là Jacqueline, người đàn bà mang dòng máu lai châu Phi nổi tiếng manh động và liều lĩnh. Sau những trận thư hùng, Jacqueline giành quyền kiểm soát trục đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt, quận 10 nối quận 11) về tới vũ trường Palace (quận 1).
Có lẽ vì đồng cảm với thân phận con lai, cùng cảnh mồ côi cha nên Jacqueline rất thương và nhận Ngọc Lai làm em kết nghĩa. Ngoài được đàn chị Jacqueline bảo hộ, Ngọc Lai còn dưới trướng của các trùm giang hồ nổi tiếng thời bấy giờ như Chà Và Hương, Lâm Chín Ngón, Đại ca Thay nên Lai mặc sức tung hoành mà không thế lực nào dám quấy phá.
Một lần, viên Đại úy Em dẫn Ngọc Lai vào khách sạn để dằn mặt. Tại đây, hắn gọi rất nhiều đồ ăn cho Ngọc Lai và nói: "Em ăn no đi rồi hôm nay anh tiễn em lên đường", nói xong hắn rút khẩu súng ra chĩa thẳng vào tai Ngọc Lai với sắc mặt lạnh tanh và thần thái cực kỳ nghiêm túc.
Tuy nhiên, những kiểu chĩa súng như thế này, Ngọc Lai không còn lạ lẫm nữa, cô bình tĩnh nở nụ cười tươi rói và nói với đại úy Em: "Anh đừng đùa em nữa, có gì giận thì anh cứ nói rồi em sẽ sửa chữa". Được người đẹp mơn trớn, Đại úy Em hả giận, hắn yêu cầu Ngọc Lai từ nay không được đi làm vũ nữ nữa và không được bước chân vào vũ trường. Để lấy lòng viên đại úy trong tình cảnh nguy cấp, Ngọc Lai đồng ý.
Thoát ra ngoài, Ngọc Lai đi mách với Jacqueline. Lập tức, đàn chị cho gọi Đại úy Em tới, túm cổ áo gã cảnh sát ra lệnh: "Muốn sống thì từ nay mày không được gặp con Ngọc nữa". Uy lực của Jacqueline khiến viên đại úy khiếp vía, từ đó hắn không dám nhũng nhiễu Ngọc Lai.
Lần khác, Ngọc Lai gặp một tên giang hồ vặt ở ngoài đường. Sau vài câu chào hỏi thì xảy ra mâu thuẫn, Ngọc Lai lại tìm đàn anh Lâm Chín Ngón nhờ bảo vệ. Giáp mặt đại ca Lâm, giang hồ vặt bị ăn vài chai bia vào đầu máu chảy ướt mặt. Từ đó, hắn hồn bay phách lạc mất hút.
Lâm Chín Ngón mới đầu nảy sinh tình cảm với Ngọc Lai, suốt ngày theo đuổi. Ngọc Lai rất sợ, vì quá biết tiếng Lâm. Lai phải cầu cứu anh kết nghĩa Chà Và Hương đứng ra dàn xếp để "không bị anh Lâm yêu nữa".
Nhiều gã bị Ngọc Lai phụ tình đã cay cú, hận thù. Có lần viên đại úy bị "xù" cả tình lẫn tiền đã tìm tới tận nhà Lai ở xóm chợ Bà Chiểu. Vừa nhìn thấy Lai, hắn vén áo lên rút súng ra ngắm thẳng vào thái dương. Ngọc Lai phản xạ rất nhanh, lấy tay hất khẩu súng lên trời, một tiếng "đoàng" xé rách mái nhà, rung mặt đất. Mấy đứa em của bà hoảng hốt bỏ chạy, dân tình xung quanh cũng náo loạn. Họ kháo nhau: "Ngọc Lai bị bắn chết rồi".
Sau đận bị bắn trượt, Ngọc Lai đi làm về khuya rất sợ bị theo dõi trừ khử, sợ bị vợ người ta đánh ghen, tạt axit... Nỗi sợ lớn dần lên khiến Lai bị bệnh tim, ngày nào cũng phải uống thuốc.
Nghĩ gây thù chuốc oán nhiều quá, Ngọc Lai quyết định lập gia đình. Chồng bà là một sĩ quan của chế độ cũ. Cũng giống như những vũ nữ khác, Ngọc Lai nghĩ rằng sẽ chỉ đi làm một thời gian ngắn rồi bỏ nghề, nhưng thực tế khôngphải vậy. Nghề vũ nữ dính lấy bà như linh hồn bám vào thể xác. Nói là "nghiện" nghề thì chưa hẳn đúng, nhưng chính xác đó là định mệnh không thể rời xa.
Ngọc Lai luôn mong làm một người vợ đúng nghĩa, chu toàn hết thảy việc chồng con. Nhưng gánh nặng trước một đàn em, lương của chồng không đủ trang trải buộc Ngọc Lai phải duy trì nghề vũ nữ.
Đã vậy, hàng tháng vẫn lén "chôm chỉa" quỹ lương do chồng quản lý, dẫn đến thâm hụt rất nhiều, không có khả năng đền bù. Giữa lúc chồng bị kiểm tra, có nguy cơ tù tội thì miền Nam giải phóng.
Bi kịch cuối đời
Những người đàn ông bước qua cuộc đời Ngọc Lai đếm không hết, nhưng chỉ có 3 người mà bà yêu thương, làm bà khổ đau và nhớ nhung nhất. Trong đó, một người để lại cho bà đứa con trai xinh xắn. Dù là con ngoài giá thú, nhưng người đàn ông ấy đã làm tròn bổn phận, đã chăm sóc, lo lắng cho mẹ con bà thật nhiều.
Được làm mẹ, với Ngọc Lai đó là món quà mà thượng đế ban tặng. Bà miên man trong hạnh phúc, từng bước chân chập chững của con, ánh mắt, nụ cười khi nó lớn luôn lấp lánh viên mãn trong trí tưởng tượng của bà.
Vậy mà hạnh phúc đến với người mẹ vũ nữ thật ngắn ngủi, đứa con vừa tròn một tuổi thì qua đời. Nguyên nhân do ông ngoại vô tình nằm đè lên người khiến cậu bé ngạt thở.
Mất mát không thể nói nên lời trong lòng người mẹ vốn gan lì, chai sạn. Nỗi đau mất con ám ảnh vũ nữ Ngọc Lai khiến bà không dám sinh con nữa. Sau này lấy chồng bà đã đi tháo vòng ra để kiếm đứa con. Nhưng vợ chồng chung sống với nhau được một năm thì ông bị thương phải cắt bỏ bộ phận sinh dục, không còn khả năng có con.
Bi kịch giống như một trò đùa, bám riết lấy số phận của vũ nữ Ngọc Lai. Chồng thương tật, bà xác định không được từ bỏ, phải sống bằng đạo nghĩa cho đến ngày ông từ giã cõi đời.
Những cuộc tình tan theo làn khói, người thân lần lượt rời xa, Ngọc Lai trở thành người đàn bà đơn côi, lẻ bóng. Bà như lạc lõng trong thời đại mới. Người xưa, lối cũ, ánh đèn vũ trường hào nhoáng giờ chỉ còn trong trí nhớ và những kỷ niệm đầy tiếc nhớ.
Nhưng có lẽ, đau đớn nhất với Ngọc Lai chính là mộ phần của con trai đã bị thất lạc. Bà nhiều lần trở lại nơi đó, cố gắng tìm kiếm, nhưng bất lực và tuyệt vọng. Trong giấc chiêm bao, bà vẫn mơ về con, lại buồn, lại khóc, lại ân hận dâng trào.
Sau khi từ giã nghề vũ nữ, Ngọc Lai sống rày đây mai đó khắp nơi và làm đủ thứ nghề. Giờ đây, ở tuổi 67, bà sống qua ngày đoạn tháng nhờ xe cá viên chiên vỉa hè. Chính vì lòng kiêu sa quá lớn mà có những thời điểm túng thiếu nhưng nhất quyết bà không chịu đi bán vé số. Bà thừa nhận, cái bóng của vũ nữ ngày xưa đã choáng hết cuộc đời, không cho bà lối thoát.