1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cửa hàng 0 đồng ở giữa khu nhà giàu, người nước ngoài đổ xô đến nhận hỗ trợ

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Khách tìm đến cửa hàng có cả dân Việt lẫn người nước ngoài, trong vai cả người cho lẫn người nhận. Người đến xin đồ rồi cùng góp sức, phụ xếp đồ, phục vụ người đến sau", quản lý tiệm đồ 0 đồng nói.

Khách nước ngoài thường xuyên tới xin đồ

Chưa đến 8h, nhóm lao động đa phần nhìn lam lũ, vất vả đứng chờ sẵn trước cửa hàng 0 đồng ở phường Thảo Điền (quận 2, TPHCM). Khi tiệm mở cửa, khách hàng ai nấy đều hào hứng vào bên trong "mua sắm".

"Chị Gái, tới lựa đồ hả? Nay đồ đẹp nhiều lắm, lựa "mát" tay chút nha", bà Bích Ngọc, phụ trách cửa hàng 0 đồng, nói đùa với vị "khách" quen của tiệm.

Cửa hàng 0 đồng ở giữa khu nhà giàu, người nước ngoài đổ xô đến nhận hỗ trợ - 1

Người lao động nghèo lựa quần áo 0 đồng ở cửa hàng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bà Ngọc chia sẻ, người nhận tại đây thường là người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đó thường là những mưu sinh bằng nghề bán vé số, giúp việc hoặc người buôn thúng bán bưng nơi vỉa hè.

Không những vậy, cửa hàng còn có nhiều người nước ngoài đến nhận đồ hỗ trợ. Đa số khách nhóm này làm nghề giúp việc cho gia đình đại gia, người nổi tiếng ở "khu nhà giàu Thảo Điền" này.

"Mỗi ngày, cửa hàng có trung bình 40-50 người đến nhận đồ từ thiện. Những người cần đến nhận một lần, thấy đồ đẹp nên thường xuyên lui tới, riết rồi người quản lý và khách hàng thành quen mặt nhau.

Sau khi thành quen thân, khách không chỉ đến nhận đồ mà tham gia luôn cùng cửa hàng, phụ cùng với các tình nguyện viên làm công việc phân loại, xếp đồ để chuẩn bị, phục vụ những người đến sau", bà Ngọc nói.

Cửa hàng 0 đồng ở giữa khu nhà giàu, người nước ngoài đổ xô đến nhận hỗ trợ - 2

Chị Gái là khách quen tại cửa hàng 0 đồng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bà Ngọc là người thường xuyên hướng dẫn cách xếp đồ cho những người nước ngoài đến nhận. Bà kể, khi thấy các tình nguyện viên ở cửa hàng không rành tiếng Anh, khách lại cố gắng bập bẹ vài từ tiếng Việt học được, rồi dùng cử chỉ, tay chân ra dấu đủ kiểu để hai bên có thể hiểu nhau.

Theo ông Phạm Quốc Hùng, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Thảo Điền, cửa hàng từ thiện tại đây được thành lập từ tháng 7/2022. Trước đây, cửa hàng hoạt động từ thứ ba đến hết thứ bảy. Tuy nhiên, do khối lượng công việc hậu cần quá nhiều, đến nay cửa hàng chỉ mở vào 8h-11h sáng thứ ba, thứ năm và thứ bảy hằng tuần.

Cửa hàng 0 đồng ở giữa khu nhà giàu, người nước ngoài đổ xô đến nhận hỗ trợ - 3

Những người nước ngoài đến nhận đồ 0 đồng, chủ động giúp sức, phụ việc, cùng phân loại, xếp quần áo để chuẩn bị cho người đến sau (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tại đây, các gian hàng đều được bố trí và phân loại gọn gàng, ngăn nắp. Cửa hàng rộng khoảng 100 m2, được chia làm 2 kho. Trong đó, một kho được mở cửa tự do, kho còn lại dành cho những người khó khăn đến sau.

Ngoài quần áo, cửa hàng còn có nhiều mặt hàng khác như đồ chơi, giày dép, sách vở, vật dụng bếp, thực phẩm,… Để ai đến cũng có thể nhận được tốt, những người ở xa đến không phải chưng hửng ra về vì hết đồ, cửa hàng quy ước, mỗi người nhận chỉ được lấy tối đa 10 món.

Người cần đến lấy, người thừa đến cho

Thoáng chốc, có nhiều người chạy xe máy đỗ xịch trước cửa hàng, không vào mà chỉ đưa vội mấy túi đồ đã qua sử dụng góp tặng tiệm rồi nhanh chóng rời đi. Họ tặng từ quần áo tới đồ chơi, gấu bông, sách vở... cẩn thận xếp gọn trong những chiếc túi nhỏ. Khi được hỏi tên, địa chỉ, phần lớn người góp đồ đều cười xòa, xua tay tỏ ý không cần rồi nhanh chóng rời đi.

Theo bà Ngọc, mỗi ngày, cửa hàng thường tiếp nhận 10-12 người đến tặng đồ cũ. Họ đến từ khắp các tỉnh, thành, tập hợp đồ cũ rồi gửi một bao tải lớn đến.

Cửa hàng 0 đồng ở giữa khu nhà giàu, người nước ngoài đổ xô đến nhận hỗ trợ - 4

Bà Ngọc bên cạnh bao đồ lớn do mạnh thường quân quyên góp (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Trước đây, nhiều người tặng đồ cũ nhưng lại toàn là những đồ bỏ đi hoặc là đồ lót đã qua sử dụng. Thời gian đầu, nhân viên tình nguyện phải mất rất nhiều thời gian để phân loại đồ mà hầu hết không thể tận dụng. 

Sau đó, nhóm tổ chức phải treo bảng hướng dẫn, kêu gọi mạnh thường quân tặng những đồ còn dùng được. Nhờ vậy, hiện tại, chất lượng quần áo, đồ dùng mà cửa hàng tiếp nhận đã tốt hơn, người nhận cảm thấy được tôn trọng, cảm thông", bà Ngọc chia sẻ.

Thỉnh thoảng, cửa hàng cũng gặp những chuyện dở khóc, dở cười. Cửa hàng nằm ở "khu nhà giàu" nên các gia đình có điều kiện thường xuyên lui tới quyên góp. Thực tế, nhân viên cửa hàng nhiều lúc phát hiện đồ hiệu bỏ hết trong các túi đồ.

Cửa hàng 0 đồng ở giữa khu nhà giàu, người nước ngoài đổ xô đến nhận hỗ trợ - 5

Các tình nguyện viên đa phần là người lao động, đến cửa hàng trong thời gian rảnh để hỗ trợ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thậm chí, có lần tình nguyện viên còn nhặt được 2 lượng vàng trong túi đồ cũ, phải nhanh chóng trình báo cho cơ quan chức năng để tìm chủ nhân gói vàng, gửi lại.

Bà Liên (80 tuổi), đồng phụ trách cửa hàng 0 đồng, chia sẻ các tình nguyện viên không chỉ là thành viên của Hội chữ thập đỏ, mà còn là những người giúp việc, người lao động sống quanh khu vực.

Cửa hàng 0 đồng ở giữa khu nhà giàu, người nước ngoài đổ xô đến nhận hỗ trợ - 6

Số vàng được nhân viên cửa hàng 0 đồng phát hiện trong bao đồ từ thiện (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Họ không được trả lương, khoản hỗ trợ nào mà vẫn tự nguyện dành thời gian tới tiệm góp sức, phụ giúp.

"Công việc này rất vất vả, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng chúng tôi cảm thấy rất vui. Mỗi người một việc, không ai ra lệnh cho ai, đều làm bằng cái tâm, tinh thần tự nguyện thôi!", bà Liên bộc bạch.

Cửa hàng 0 đồng ở giữa khu nhà giàu, người nước ngoài đổ xô đến nhận hỗ trợ - 7

Bà Nga hạnh phúc khi cả nhà không phải lo về chuyện quần áo nữa (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bà Nga (54 tuổi, ngụ tại quận 2), làm nghề bán vé số, chia sẻ mỗi ngày bà chỉ kiếm được 200-300.000 đồng/ngày. Thu nhập ngọ ngằn, phải chi tiêu tằn tiện nên bà thường mặc đi mặc lại những bộ quần áo nhiều năm, đến sờn rách cả, ít khi dám bỏ tiền mua bộ đồ mới.

"Nhờ có cửa hàng 0 đồng, cả nhà tôi có thêm quần áo để mặc, tiết kiệm chi phí. Đồ ở đây có nhiều bộ vẫn còn mới, mặc rất thích", bà Nga nói.