1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cụ bà nhặt ve chai để lại tiền ở cổng nhà chủ: "Sống phải thật thà!"

Thanh Tùng

(Dân trí) - "Khi nhặt ve chai, tôi vẫn hay để tiền lại, dù chủ nhà đi vắng. Mình nghèo cho sạch, rách cho thơm, sống phải thật thà thì xã hội mới tốt đẹp được".

Đó là chia sẻ của cụ Trịnh Thị Độ (trú tại phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) - người để lại tiền trước cổng nhà khi nhặt đồ ve chai, phế liệu trước cửa, gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua.

Cụ bà nhặt ve chai để lại tiền ở cổng nhà chủ: Sống phải thật thà! - 1

Sau khi nhặt số vỏ lon, cụ bà đã có hành động rất đẹp để lại tiền trước cổng chủ nhà. Việc làm của bà lão nghèo gây "bão" mạng xã hội (Ảnh: Cắt từ clip).

Cụ Trịnh Thị Độ năm nay đã 73 tuổi. Hiện vợ chồng cụ đang sinh sống tại một căn nhà nhỏ ở đường Trần Thủ Độ, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa. Thời điểm chúng tôi đến, cụ Độ vừa kết thúc một buổi đi thu mua ve chai về.

Vừa dọn mớ vỏ lon trong kho, cụ cho biết, bản thân bất ngờ vì hành động để lại tiền mua vỏ lon khi chủ nhà đi vắng của mình vô tình lại được nhiều người biết đến và ủng hộ, yêu mến.

Cụ bà nhặt ve chai để lại tiền ở cổng nhà chủ: Sống phải thật thà! - 2

Cụ bà Trịnh Thị Độ - người đã có hành động để lại tiền sau khi nhặt vỏ lon bia trước cửa một căn nhà, gây "sốt" trên mạng xã hội những ngày qua.

"Mấy ngày qua tôi vẫn đi làm như thường lệ, tôi cũng không biết mạng xã hội là gì cả, chỉ thấy mấy hôm nay có nhiều người hỏi thăm, thậm chí còn đến nhà cho tiền khiến tôi khá ngỡ ngàng", cụ Độ thật thà kể.

Gặp cụ bà nhặt ve chai để lại tiền trước cổng chủ nhà

Theo cụ Độ, gia đình cụ có 4 người con gái, hiện đã lấy chồng. Trước kia, cụ sinh ra và lớn lên ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Cụ cũng từng tham gia dân quân du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, rồi làm Phó Bí thư Đoàn xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân một thời gian.

Đến năm 2001, gia đình cụ chuyển xuống thành phố Thanh Hóa sinh sống. Khi còn khỏe, cụ Độ thường làm bánh gai Tứ Trụ để bán cùng các con. Chồng cụ là cụ ông Nguyễn Văn Hải (71 tuổi), hằng ngày bán nước gần BigC Thanh Hóa.

Cụ bà nhặt ve chai để lại tiền ở cổng nhà chủ: Sống phải thật thà! - 3

Căn nhà nhỏ tọa lạc phía sau khu vực BigC Thanh Hóa là nơi vợ chồng cụ Độ sinh sống.

Hai năm nay, do dịch Covid-19 nên cụ ông không đi bán nước nữa, cụ Độ thì vẫn tranh thủ đi thu mua ve chai ở gần nhà để kiếm thu nhập. Thông thường, công việc của cụ bắt đầu từ 6h sáng đến 11h trưa. Còn buổi chiều cụ thường ra chùa gần nhà để tụng kinh và làm công quả.

"Cũng chẳng kiếm được nhiều nhặn gì, có ngày được 100.000 đồng, có ngày 50 - 60.000 đồng, thậm chí chỉ 15.000 đồng nhưng cũng đủ tiền ông bà trang trải. Giờ nhiều người còn khổ hơn ấy chứ. Gia đình tôi không phải quá nghèo khó, nhiều lúc con cháu bảo thôi đừng đi thu mua ve chai nữa nhưng tôi thích được lao động, có vậy con người mới khỏe khoắn được", cụ bà tâm sự.

Cụ bà nhặt ve chai để lại tiền ở cổng nhà chủ: Sống phải thật thà! - 4

"Khi nhặt ve chai, tôi vẫn hay để tiền lại dù chủ nhà đi vắng. Mình nghèo cho sạch, rách cho thơm, sống phải thật thà thì xã hội mới tốt đẹp được", cụ Độ quan niệm.

Nói về hành động để lại tiền sau khi nhặt ve chai dù chủ nhà đi vắng, cụ Độ chia sẻ: "Tôi vẫn hay làm như thế khi chủ nhà đi vắng. Quan điểm sống của tôi là "đói cho sạch, rách cho thơm", sống phải thật thà. Tôi hay tụng kinh, niệm phật nên tôi hiểu những điều Phật dạy. Thực ra, trên đời này còn nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn cả tôi. Mình không thể đến lấy vỏ lon rồi đi mà không trả tiền, như vậy khó coi lắm. Có những hôm đi nhập ve chai, chị chủ đại lý đưa thừa tiền, tôi còn bảo chị ấy tính toán thế này thì lỗ to, rồi trả tiền thừa lại cho chị ấy".

Cụ bà nhặt ve chai để lại tiền ở cổng nhà chủ: Sống phải thật thà! - 5

Hằng ngày, sau mỗi buổi đi làm về, vợ chồng cụ Độ lại cùng nhau ăn cơm, không khí đầm ấm, yên bình thường trực trong căn nhà nhỏ.

Theo cụ Độ, hành động của cụ hoàn toàn xuất phát từ lương tâm, mỗi khi làm việc gì cụ đều nghĩ trước, nghĩ sau.

"Tôi thấy việc làm đó không có gì là cao cả, tốt đẹp lắm vì nhiều người còn cao cả hơn rất nhiều. Đó là những chiến sĩ đang xông pha ở tuyến đầu chống dịch, rồi những người lính bảo vệ nơi biên cương, hải đảo, các y bác sĩ đang tích cực chữa bệnh cứu người. Hành động của họ mới là cao cả", cụ Độ nói.

Cụ Độ tâm niệm, trong cuộc sống này, khi làm gì thì nên nghĩ làm sao có ích cho xã hội, có như thế xã hội mới phát triển được.

Cụ bà nhặt ve chai để lại tiền ở cổng nhà chủ: Sống phải thật thà! - 6

Mặc dù đã 73 tuổi nhưng hằng ngày cụ Độ vẫn miệt mài mưu sinh. Với cụ, được lao động là niềm vui, hạnh phúc.

Không chỉ có hành động đẹp, cụ Độ còn được nhiều người dân quanh khu vực rất yêu quý và kính trọng bởi lối sống giản dị, thiện lành. 

Bà Nguyễn Thị Hoan, hàng xóm của cụ Độ chia sẻ: "Cụ Độ có một hành động rất tuyệt vời. Về hoàn cảnh gia đình thì ở đây ai cũng thương yêu vì cụ sống rất thật thà và chịu khó. Cả một đời người lam lũ nuôi các con khôn lớn, giờ đến tuổi già cụ vẫn miệt mài mưu sinh để kiếm sống. Chính vì sự cần cù và thật thà của cụ đã làm chúng tôi vô cùng nể phục".