1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hậu Covid-19, khắc phục những hệ quả thách thức việc xóa bỏ lao động trẻ em

Thái Anh

(Dân trí) - Thách thức của Covid-19 đối với việc thực thi các cam kết quốc tế về phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em là nội dung được cơ quan quản lý nhà nước tập trung hậu đại dịch.

Hậu Covid-19, khắc phục những hệ quả thách thức việc xóa bỏ lao động trẻ em - 1

Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều cam kết quốc tế liên quan đến phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em.

Đã có không ít những điển hình, kinh nghiệm tốt và định hướng thời gian tới trong việc nỗ lực xóa bỏ lao động trẻ em, trong đó có vai trò của các doanh nghiệp và các chuỗi cung ứng toàn cầu trong việc tuân thủ các nghĩa vụ và các cam kết phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia từng cảnh báo về thực trạng, đại dịch Covid-19 làm suy giảm sự tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của các hộ gia đình, vì vậy một số trẻ em phải tham gia lao động như là một phương sách để đối phó với tình trạng giảm sút thu nhập và sinh kế.

Giám đốc Văn phòng ILO Ingrid Christensen tại Việt Nam cho biết, để đảm bảo các hộ gia đình có nguy cơ không bị ảnh hưởng bởi tác động của Covid-19 dẫn đến gia tăng lao động trẻ em, các chương trình và chính sách xóa đói giảm nghèo, các cơ hội học nghề cho trẻ, đặc biệt tại các vùng nông thôn, cần được ưu tiên. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào hệ thống bảo vệ trẻ em, phát triển sinh kế và an sinh xã hội là những giải pháp chủ chốt.

Hậu Covid-19, khắc phục những hệ quả thách thức việc xóa bỏ lao động trẻ em - 2

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH (trong ảnh là Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đứng giữa) từng nhiều lần nêu thông điệp kêu gọi xóa bỏ lao động trẻ em.

Là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự liên kết và hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các đối tác trong xã hội.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, từ góc độ của doanh nghiệp, người sử dụng lao động, việc tuân thủ tốt các tiêu chuẩn lao động quốc tế, trong đó có phòng ngừa giảm thiểu LĐTE đem lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài đặc biệt khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hậu Covid-19, khắc phục những hệ quả thách thức việc xóa bỏ lao động trẻ em - 3

Củng cố hệ thống an sinh xã hội là hướng để ngăn chặn tình trạng lạm dụng lao động trẻ em.

Giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự liên kết và hợp tác, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội. Là một trong những quốc gia tiên phong của Liên minh 8.7, Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác với các Chính phủ, các đối tác phát triển để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam không cao và giảm dần theo từng năm. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, chú trọng thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông, xóa mù chữ, bảo đảm công bằng về tiếp cận giáo dục cho trẻ em; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trong đó trẻ em là đối tượng ưu tiên...

5 giải pháp nhằm ngăn ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em được ILO và UNICEF khuyến nghị gồm: Thu hẹp khoảng trống trong diện bao phủ an sinh xã hội cho trẻ em; xây dựng hệ thống an sinh xã hội tích hợp; đảm bảo các chương trình an sinh xã hội được thiết kế toàn diện và nhạy cảm với lao động trẻ em; lấy những cam kết chính trị mạnh mẽ đối với việc xóa bỏ lao động trẻ em và thiết lập an sinh xã hội toàn dân làm đòn bẩy nhằm tăng cường sự đồng thuận trong hành động; thúc đẩy đầu tư vào hệ thống an sinh xã hội dưới góc độ là một động lực của phát triển.