Covid-19 ảnh hưởng đến gần 100 triệu người khuyết tật tại ASEAN
(Dân trí) - Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Diễn đàn trực tuyến Người khuyết tật ASEAN 2020 với chủ đề "Ứng phó và An sinh xã hội cho Người khuyết tật trong và sau Covid-19".
Diễn đàn có sự góp mặt của ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH); bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam (VFD); ông Richard Tan, quan chức cao cấp về Phúc lợi và Phát triển Singapore cùng với các đại diện của các tổ chức trong khu vực và nhiều người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội tham dự.
Diễn đàn đã đưa ra những thực trạng và các kế hoạch sắp tới giành cho nhóm đối tượng thiệt thòi. Qua đó đưa ra kế hoạch tổng thể về lồng ghép các quyền của người khuyết tật ASEAN 2025.
100 triệu người khuyết tật bị ảnh hưởng
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết hiện nay, khu vực ASEAN có hơn 625 triệu dân, trong đó có gần 100 triệu người khuyết tật - chiếm 16% dân số khu vực.
Ông khẳng định, các nước ASEAN luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến người khuyết tật. Điều đó thể hiện ở việc 10 nước thành viên đều phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người khuyết tật (CRPD).
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã ban hành và thông qua nhiều văn kiện, tuyên bố về người khuyết tật như: Tuyên bố Bali về tăng cường vai trò và sự tham gia của người khuyết tật trong cộng đồng ASEAN (2011); Thập kỷ ASEAN của người khuyết tật (2011); Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội (2013)…
Cùng với đó, ASEAN đang thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ cho người khuyết tật, chú trọng thúc đẩy phát triển hòa nhập và sự tham gia quốc tế trong thực hiện các quyền của nhóm đối tượng này.
"Mặc dù vậy, người khuyết tật không chỉ ở Việt Nam, mà ở tất cả các nước thành viên ASEAN đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vấn đề tiếp cận bao gồm tiếp cận về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng…" - ông cho hay.
Về phía đại diện Liên hiệp Hội Người khuyết tật Việt Nam (VFD), Chủ tịch Đặng Huỳnh Mai cũng cho rằng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng nổ toàn cầu, nhóm người yếu thế, mà cụ thể là người khuyết tật vốn là nhóm dễ bị tổn thương và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
"Liên hiệp Hội Người khuyết tật chúng tôi với mạng lưới 44 tổ chức thành viên và hơn 200 hội cơ sở đại diện cho 8 triệu người khuyết tật ở Việt Nam càng nhìn nhận sâu sắc hơn vai trò của mình trong việc hỗ trợ nhóm người yếu thế ứng phó tốt hơn với các vấn đề phát sinh, đặc biệt là đại dịch Covid-19", bà nói.
Cần xây dựng một kế hoạch tổng thể
Chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp hiệu quả, cần thiết và kịp thời để bảo vệ người khuyết tật trong và sau đại dịch, ông Richard Tan - quan chức cao cấp về Phúc lợi và Phát triển Singapore - cho biết đất nước ông đang làm rất tốt.
"Thời gian qua, chúng tôi đã có gói hỗ trợ tài chính kịp thời tới cộng đồng có thu nhập thấp, bao gồm cả người khuyết tật. Đối với lao động mất việc làm được hưởng gói cao nhất lên tới 300.000 đô la/tháng", ông cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Richard Tan, Singapore còn hỗ trợ tâm lý cho nhóm yếu thế thông qua đường dây nóng với những chuyên viên về công tác xã hội và đội ngũ chuyên gia tâm lý tham gia tư vấn.
Ngoài ra, nhiều công ty, doanh nghiệp tại đảo quốc Sư tử cũng được giảm thuế 10% (ít nhất trong 6 tháng tới) nếu họ tạo điều kiện chấp nhận cho người khuyết tật vào làm việc.
Nói về việc triển khai Kế hoạch Tổng thể về Lồng ghép quyền của Người khuyết tật ASEAN năm 2025, Giáo sư Amara Pongsapich, Đại diện của Thái Lan tại Ủy ban Liên chính phủ về Quyền con người ASEAN (ACIHR) nêu quan điểm, tới đây, cần phải xây dựng một mục tiêu và có định hướng rõ ràng.
Giáo sư Amara cho rằng Kế hoạch Tổng thể này, sắp tới, các bên sẽ phải tổ chức đánh giá giữa kì vào năm tới (2021).