Hà Nội: Đặt mục tiêu 90% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế
(Dân trí) - Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, 90% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, 90% trẻ khuyết tật độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã công bố kế hoạch số 239 /KH-UBND về thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030.
Kế hoạch nhằm mục đích, thúc đẩy thực hiện công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Luật người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật. Tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội. Hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình…
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, 80% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, 70% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc, phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, 90% người khuyết tật có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn với lãi suất theo quy định…
Cũng trong giai đoạn này, thành phố phấn đấu 100% công trình xây mới và 50% công trình cũ là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư xây mới bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2025-2030, 90% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau. 90% trẻ khuyết tật độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.
Thành phố cũng đặt mục tiêu 70% quận, huyện, thị xã có câu lạc bộ thể dục thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 15% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục thể thao; 100% thư viện công cộng thành phố tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích người khuyết tật tiếp cận….
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND TP Hà Nội xây dựng các giải pháp thực hiện như, Đẩy mạnh xã hội hóa công tác người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ người khuyết tật. Đồng thời đề cao vai trò trách nhiệm của UBND các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức trong công tác trợ giúp người khuyết tật.
Ngoài ra TP Hà Nội tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp người khuyết tật. Thực hiện đúng các quy định của người khuyết tật, các văn bản liên quan đến người khuyết tật trong công tác trợ giúp người khuyết tật.
UBND TP Hà Nội giao Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực tham mưu toàn diện về công tác triển khai, thực hiện kế hoạch. Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn các sở, ban, ban ngành liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/12 hàng năm.