Con trẻ ra sao khi phát hiện "bộ mặt đen thui" của bố mẹ trên mạng xã hội?
(Dân trí) - Trên mạng xã hội, đứa con phát hiện bố có những lời lẽ cợt nhả thô thiển về thân thể phụ nữ, còn mẹ buông lời miệt thị, thóa mạ người khác nặng nề...
Thịnh, cậu học trò 15 tuổi ở quận Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ câu chuyện của mình tại một chuyên đề giáo dục gia đình. Thời gian qua vừa chuyển cấp, bước vào năm học mới cũng là lúc em rơi vào căng thẳng, suy sụp, bất ổn, không thể tập trung cho việc học.
Thịnh kể, cậu lập Facebook từ năm lớp 8 rồi để đó chứ không mấy khi sử dụng. Sau khi đỗ lớp 10 vào ngôi trường yêu thích, cách đây ít tháng cậu mới chính thức dùng Facebook thường xuyên.
Với một nickname (biệt danh) xa lạ, Thịnh kết nối với tài khoản với bố mẹ, họ không hề hay biết. Vấn đề bắt đầu từ đây, khi cậu con trai mới lớn nhìn thấy cái gọi là "bộ mặt đen thui" của bố mẹ phơi bày trên mạng xã hội.
Cậu thấy bố thường xuyên đăng tải, chia sẻ hình ảnh những phụ nữ ăn mặc hở hang, sơ sẩy hớ hênh với những bình phẩm cợt nhả, thô thiển kiểu "ngon", "muốn xực", "xơi tái"...
Chưa kể, ông luôn bình luận, phản bác người tương tác với lời lẽ chê bai kiểu "đồ đàn bà" rất khó nghe. Với những lời góp ý lập tức ông bật lại bằng đủ câu thô tục.
Lần theo "dấu vết" của mẹ, mức độ suy sụp của Thịnh còn tăng thêm. Trên trang cá nhân, cậu trai thấy mẹ thường rao giảng những lời đạo đức này nọ bằng cách nhắm vào việc chê bai, mỉa mai người khác. Bà không ngần ngại lôi chuyện riêng tư của nhiều người ra mổ xẻ, phê phán, thậm chí bôi nhọ, hạ nhục.
Chưa kể, bà cũng thường xuyên chia sẻ thông tin giật gân, những clip đánh ghen, chửi bới với thái độ hả hê, thích thú.
Lạc vào các diễn đàn mà mẹ tham gia, Thịnh rơi vào trạng thái thất vọng lẫn chán chường.
"Lúc đầu, em vô tình thấy một vài bình luận của mẹ trong các diễn đàn tự động nổi lên. Những bình luận rất ác ý, tàn nhẫn với người khác. Em tò mò vào tìm lịch sử theo tên tài khoản của mẹ...", Thịnh nói.
Ở đó, chỉ từ những chia sẻ, ý kiến bình thường của một người phụ nữ khốn khổ với nhà chồng, mẹ cũng buông lời mắng chửi họ là đồ ngu si, dốt nát, làm phụ nữ mà không tự chủ...
Rồi đến chuyện dạy con, giữ chồng, đánh ghen, làm đẹp, kiếm tiền... ai trái ý là mẹ hiếu chiến tranh cãi, chửi bới, có khi lôi cả mấy đời nhà người ta ra "tế", rủa xả cả con cháu người ta.
Đã nhiều lần Thịnh muốn dừng lại, bỏ theo dõi bố mẹ nhưng cậu bị cuốn vào. Càng tìm hiểu, càng thấy bố mẹ "đen thui", chàng trai mới lớn rơi vào suy sụp.
Trên không gian không biết là ảo hay chính là nơi thể hiện bản thân thật chất nhất đó, Thịnh nói: "Không chỉ bố mẹ mình, em thất vọng về thế giới người lớn quá. Họ thật kinh khủng".
Giờ đây, khi đối diện với những lời giảng giải, dạy dỗ của bố mẹ mỗi ngày, Thịnh cảm giác chán ghét, khó chịu và có xu hướng chống đối.
Nơi "ảo" là nơi phơi bày rõ nhất!
Con trẻ thất vọng về bố mẹ, về người lớn không chỉ là chuyện riêng của cậu học trò lớp 10. Trước tác động, tiếp cận từ mạng xã hội, trẻ có thể nhìn thấy bộ mặt đẹp đẽ hoặc xấu xí, sân si nhất của người lớn được phơi bày một cách rõ nét, trực diện nhất.
Trên thế giới mạng, con trẻ không khó thấy người lớn chính là những ông bố bà mẹ, những thầy cô giáo cuốn vào thông tin drama (kịch tính), những thông tin giật gân, những trận cãi vã, thóa mạ, tấn công người khác không hồi kết.
Ở đó, tràn ngập cách hành xử của người lớn, từ những clip đánh ghen lột đồ, cặp bồ, ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng... Tất cả lời ăn tiếng nói, quan niệm, giá trị sống của người lớn được phơi bày dội thẳng vào trẻ nhỏ.
Trong cuốn sách "Vẽ đường cho hươu chạy", bác sĩ Nguyễn Lan Hải bày tỏ, con trẻ thất vọng về "bộ mặt thật" của bố mẹ trên mạng xã hội là thực tế đáng buồn mà bà ghi nhận từ nhiều đứa trẻ tìm đến bà tâm sự.
Có đứa trẻ 15 năm bên cạnh bố giờ vỡ òa, không tưởng tượng nổi về bố mình; có đứa trẻ nhìn thấy cảnh mẹ lùng sục trên mạng, lôi kéo bạn đi đánh hội đồng người khác, thóa mạ những người bênh vực nạn nhân...
Ở góc độ tâm lý, bác sĩ Lan Hải cho hay, trong một môi trường không tiếp xúc trực tiếp, không gặp mặt và dễ ẩn danh tạo ra một sự tự do lớn khiến người dùng mạng hành xử khác hẳn với ngoài đời. Có khi họ trở nên độc ác hơn, xúc phạm, tấn công người khác mà không cảm thấy cắn rứt hoặc cho mình cái quyền bầy hầy, suồng sã.
Khi bố mẹ "say sưa" ở khắp nơi trên mạng, họ không nghĩ rằng con cái đang âm thầm soi từng bước chân của mình.
Bác sĩ Nguyễn Lan Hải nhấn mạnh, để văn hóa trở thành nền tảng vững chắc của gia đình, ngoài việc hành xử văn minh, mẫu mực trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ còn cần làm gương cho con khi giao tiếp, ứng xử, tương tác trên mạng.
Một nhà giáo dục nào đó nói đại ý rằng, con trẻ không nghe bố mẹ nói, chúng đang quan sát bố mẹ. Khái niệm quan sát trong thời đại ngày nay đã vượt ra khỏi cuộc sống, ứng xử trong đời thực mà còn phải ở thế giới mạng.