Cô giáo đấu trí suốt ba tháng để đưa cấp trên sàm sỡ con mình vào tù
(Dân trí) - Khi nghe hù dọa rằng, tố cáo mà không có chứng cứ sẽ bị phản tố, nữ giáo viên lo sợ, định dừng lại. Tuy vậy, sau khi được Tổng đài 111 hướng dẫn rõ quy trình xử lý, cô quyết tâm tố cáo đến cùng.
Mạnh dạn tố cáo để bảo vệ người thân
Chị Thu Lan (tên nhân vật đã được thay đổi) là giáo viên của một trường trung học cơ sở ở Tây Ninh. Một ngày tháng 5, sau buổi coi thi học kỳ 2, chị Lan đang nghỉ để chờ vào lớp giám sát môn thi kế tiếp thì một đồng nghiệp dẫn bé Ngọc (con gái chị Lan, đang học lớp 9 tại trường) với vẻ mặt hốt hoảng đến tìm chị.
Sau khi được mẹ trấn an, Ngọc kể cho mẹ nghe việc bị thầy Trác (phó hiệu trưởng, là cấp trên quản lý trực tiếp chị Lan) có hành vi sàm sỡ con mình. Chị Lan không kìm được cảm xúc, tức giận đến gặp thầy phó hiệu trưởng để đối chất thì ông này phủ nhận.
Chứng cứ vụ việc không có gì lưu lại, chỉ có lời kể của con gái và niềm tin của người mẹ. Cơ quan công an tiếp nhận điều tra rất cẩn trọng, gia hạn thời gian điều tra để thu thập chứng cứ. Nghi phạm nhiều lần chế giễu gia đình chị, hàng xóm đàm tiếu, con gái chị phải nghỉ học, không dám ra khỏi phòng gặp ai.
Quyết tâm bảo vệ con, chị Lan đi gõ cửa khắp các cơ quan chức năng trong tỉnh. Làm đơn trình báo, xin cứu xét, nhờ hỗ trợ gửi báo đài trong tỉnh, UBND huyện, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh… Cuối cùng, nghi phạm cũng bị bắt, tòa án tuyên xử bị cáo có tội và phạt 3 năm tù giam.
Kể về hành trình đấu tranh đòi công lý cho con gái, chị Lan cho biết, nhiều lần sợ hãi, định dừng lại vì bị uy hiếp, đe dọa cho nghỉ việc, có người còn dọa chị sẽ bị phản tố nếu tố cáo sai sự thật.
Chị Thu Lan kể: "Có người dọa cho em nghỉ việc, em tố cáo sai sẽ bị phản tố… Em sợ lắm, nhưng nhìn con bị đàm tiếu đến khủng hoảng tinh thần, sụt 7-8kg thì em không chịu nổi. Em có điện đến Tổng đài 111, được trấn an mình tố cáo vì bảo vệ con mình là không có tội lỗi gì, được hướng dẫn các bước làm thủ tục để đấu tranh nên em an tâm theo đuổi hành trình này suốt 3 tháng trời".
Sự việc của gia đình chị Thu Lan chỉ là 1 trong hàng trăm ngàn vụ việc mà Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiếp nhận và xử lý mỗi năm.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2021, Tổng đài 111 đã tiếp nhận gần 510.000 cuộc gọi trình báo và thông báo qua ứng dụng của tổng đài. Sau khi tiếp nhận, nhân viên tổng đài đã tiến hành tư vấn cho hơn 35.000 ca, tư vấn chuyên sâu cho hàng ngàn ca liên quan đến nội dung xâm hại, bạo lực trẻ em.
Trong năm 2021, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) tiếp nhận và giải quyết 26 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, các vụ việc do báo chí phản ánh có liên quan đến trẻ em; 100% đơn thư của công dân thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em đều được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết…
Nỗ lực phổ biến kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em
Trao đổi tại tọa đàm do Mạng lưới phòng ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam tổ chức, luật sư Nguyễn Hữu Long cho rằng: "Nạn nhân bị xâm hại tình dục lên tiếng tố cáo càng sớm càng tốt. Khi đó, việc thu thập chứng cứ mới dễ dàng hơn để xử lý hung thủ".
Theo luật sư Nguyễn Hữu Long, việc nạn nhân lên tiếng tố cáo rất quan trọng vì không chỉ giúp trừng phạt hung thủ, đi tìm công lý cho nạn nhân mà còn có tác dụng cảnh tỉnh cộng đồng. Ông nói: "Việc lên tiếng không chỉ giúp nạn nhân mà giúp được cho rất nhiều người, giúp cho quá trình phát triển xã hội".
Để làm được điều này, việc nạn nhân và người nhà có kiến thức và kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục rất quan trọng. Khi am hiểu, họ sẽ biết hành vi của đối tượng là vi phạm pháp luật, mạnh dạn tố cáo và biết quy cách bảo vệ chứng cứ, trình tự thủ tục pháp lý… để bảo vệ chính mình.
Do đó, công tác tuyên truyền phòng chống xâm hại tình dục đến cộng đồng vô cùng quan trọng. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Bộ LĐ-TB&XH triển khai thường xuyên.
Trong năm 2021, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp các bộ, ngành, tổ chức có nhiều sáng kiến, đổi mới trong công tác truyền thông để tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em; bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh đến từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư.
Nội dung được tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; thúc đẩy việc phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ trẻ em và kỹ năng phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; khuyến khích việc phát hiện, lên tiếng thông báo, tố cáo các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức sản xuất và phát sóng 50 chương trình Vì trẻ em trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam; 52 chương trình một giờ đường dây nóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam; 60 bài và 70 tin truyền thông trên các báo, tạp chí.
Đồng thời, các cơ quan thuộc Bộ LĐ-TB&XH còn tổ chức nhiều chương trình trực tiếp truyền thông, trao đổi thông tin đến cộng đồng dân cư; định hướng truyền thông cho báo chí về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em và nghiệp vụ thông tin, phản ánh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Trên các trang mạng xã hội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sản xuất và phát sóng các nội dung liên quan đến quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trên Facebook fanpage truyền hình Vì trẻ em; đăng tải 400 tin, phóng sự, clip trên kênh Youtube…
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH còn định kỳ triển khai các hoạt động truyền thông về bảo vệ an toàn cho trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 và Diễn đàn trẻ em; tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021… tại các địa phương.