Cô gái "Sọ Dừa" với hành trình thành thủ lĩnh, diễn giả truyền cảm hứng
(Dân trí) - 42 tuổi, nặng 16kg, chị Hòa mang hình hài Sọ Dừa nhưng có nghị lực phi thường khi tự học chữ, tận dụng sức mạnh công nghệ để bước ra thế giới bên ngoài, kết nối cộng đồng.
Câu nói thay đổi cuộc đời
Buổi sáng một ngày trước kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, chị Nguyễn Thị Hòa (sinh năm 1980) mặc chiếc váy màu vàng rực rỡ được một người bà bế lên xe taxi rời nhà ở thôn Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy đi vào trung tâm TP Hải phòng, cách nhà 20km. Chị được mời làm diễn giả trong buổi chia sẻ về kỹ năng quản lý tiền và cơ hội việc làm thời 4.0 cho nhóm người yếu thế do tổ chức Caritas (thuộc Tòa Giám mục Hải Phòng) tổ chức.
Ít ai biết rằng, người phụ nữ 42 tuổi trong hình hài như đứa trẻ lên 3 kia mà vô cùng bản lĩnh, mạnh mẽ, không đầu hàng số phận, trở thành thủ lĩnh một nhóm người khuyết tật, đang lan tỏa tình yêu thương, nghị lực sống đến người đồng cảnh.
Ngồi trên chiếc xe lăn, chị Hòa chia sẻ chuyện từng sống trong sự tự ti, buồn chán, quẩn quanh trên chiếc giường suốt 32 năm trước khi quyết định bước ra khỏi "tổ kén". Chị Hòa vốn bị bệnh loãng xương bẩm sinh, xương sườn bị mủn, tim nằm ngoài lồng ngực, đau ốm thường xuyên… Sau một trận ốm thập tử nhất sinh năm lên 3 tuổi, cơ thể chị trở nên dị dạng, không phát triển được.
Chị chỉ có thể nằm và lăn qua lăn lại trên giường như Sọ Dừa trong truyện cổ tích, mọi việc đi lại, vệ sinh cá nhân phải nhờ người thân. Năm xưa, những lời ác ý, cay nghiệt của người đời khi thấy hình hài dị dạng ấy đã khiến chị Hòa mặc cảm, sợ hãi, luôn trốn trong chăn mỗi khi có khách đến chơi nhà. Chị chỉ biết làm bạn với con mèo mướp và nghe những câu chuyện cổ tích, tưởng tượng thế giới bên ngoài qua lời kể của bà nội.
Những người tham dự ngồi xung quanh lắng nghe, không ngớt lời cảm phục về người phụ nữ khuyết tật này. "Ngày bà nội mất, một ông lão đến thắp hương đã nói với tôi một câu khiến tôi nhớ mãi: "Người bình thường mất đi thì người ta sẽ để tang 3 năm, còn cháu mà mất thì họ sẽ quên sau 3 giờ. Thế nên, phải tìm cách đi ra ngoài đời, khẳng định bản thân", chị Hòa kể lại.
Lúc đầu, chị đáp lại rằng bản thân bị tàn tật, không thể đi được, ông lão chỉ tay vào đầu và nói "đi ra ngoài bằng bộ óc". Câu nói đó đã trở thành động lực để chị quyết tâm "lột xác", phá vỡ mọi giới hạn của bản thân. Chị đã tự học viết chữ, tập đọc tiếng Việt và tính toán. Biết đọc, biết viết, chị Hòa càng hăng say rèn luyện, nhờ bố mẹ đi mượn sách giáo khoa tiểu học, xin báo cũ về để học mỗi ngày và tập làm thơ, viết truyện ngắn.
"Khi ấy, tôi nghĩ là muốn kết nối được với bạn bè bên ngoài thì phải có điện thoại. Vì thế, tôi đã tích cóp tiền để nhờ người mua lại cho một chiếc điện thoại "cục gạch" cũ. Tôi gọi điện đến chương trình quà tặng âm nhạc, kết bạn bốn phương trên đài để có cơ hội được giao lưu với những người bạn mới", chị chia sẻ trong tiếng vỗ tay cổ vũ của mọi người. Nhiều người đồng cảnh ngộ ngồi nghe đã bật khóc.
"Đập tan kỳ thị"
Một số người đến tận nhà đặt vấn đề "thuê" chị Hòa đến ngồi ở các lễ hội, đền chùa để xin tiền nhưng bị chị đuổi thẳng. Chị dần có những người bạn mới dìu dắt, hướng dẫn cách kết nối với thế giới bên ngoài thông qua mạng internet. Chị học cách làm hoa giấy, hoa đá, tranh đính đá và rao bán trên mạng Facebook, Zalo.
"Tôi biết đến công việc này khá tình cờ, khi một người bạn mang những giỏ hoa giấy tới đặt vấn đề thuê tôi rao bán trên Facebook. Không muốn lấy cái mác người khuyết tật rủ lòng thương hại của cộng đồng nên tôi từ chối và mày mò học cách làm để kiếm kế sinh nhai, bớt gánh nặng cho gia đình", chị Hòa kể.
Những ngón tay dị dạng, mềm như bún của chị tưởng chừng không cầm nổi chiếc kéo không ngờ lại cắt, dán rất thuần thục, khéo léo. Với sự kiên trì tập luyện cách cắt hoa cho đẹp, cách cầm kéo không bị rơi, nhiều lúc ngón tay bị trầy da chảy máu, sau một tuần, chị đã làm thành công giỏ hoa giấy đầu tiên.
Sau đó, chị học tiếp cách làm hoa đá, tranh đính đá. Chị đã tập hợp những người khuyết tật khó khăn để dạy nghề làm hoa, tranh đá và tìm cách bán sản phẩm, giúp mọi người trong nhóm kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Ngày càng có nhiều người biết đến câu chuyện về nghị lực sống của chị Hòa. Vì cảm phục mà chủ một phòng tranh trên phố Văn Miếu, Hà Nội đã tổ chức sự kiện triển lãm "Hoa Đá", trưng bày các sản phẩm của chị vào đầu năm 2019 nhằm chuyển tải thông điệp "hoa nở trên đá khô cằn".
Một số đơn vị mời chị làm diễn giả cho những buổi nói chuyện truyền cảm hứng cho giới trẻ. Trong cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019, chị trở thành nhân vật chính trong dự án nhân ái của hoa hậu Lương Thùy Linh và nhóm các thí sinh khác.
Hiện nay, chị Hòa đang là trưởng nhóm mang tên "Khát vọng cỏ dại" với hơn 20 người khuyết tật ở khắp mọi nơi. "Nhóm chúng tôi rất thích cái tên này vì loài hoa dại có sức sống mãnh liệt, dù có giẫm đạp, phong ba bão táp vẫn ngoi lên khoe sắc. Đây cũng là tinh thần mà tôi muốn truyền cho các thành viên", cô gái "Sọ Dừa" chia sẻ.
Hơn 2 năm đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc buôn bán hoa, tranh đá khiến thu nhập của các thành viên trong nhóm bị sụt giảm. Chị Hòa tích cực đi "ngoại giao" để cập nhật xu hướng mới, tìm kiếm cơ hội việc làm cho nhóm và đưa các thành viên đến gần hơn với cộng đồng. Trên Facebook cá nhân, chị thường hay viết bài kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ các hoàn cảnh người khuyết tật khó khăn và chị đại diện đến thăm hỏi, trao quà động viên.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người khuyết tật ở khắp nơi nhắn tin cho chị Hòa muốn tham gia nhóm nhưng vẫn còn sợ bị kỳ thị, gia đình không cho ra ngoài. "Với những trường hợp này, mình cần phải làm công tác tư tưởng rất nhiều để mỗi người tự tin hơn vào bản thân rồi mới tính đến công việc", chị nói.
"Chiến đấu với bản thân, không được mặc cảm, cũng như phải tìm cách đập tan sự kỳ thị của xung quanh để được bước vào xã hội một cách an nhiên, không phải lo âu, run sợ", chị Hòa viết trên Facebook của mình sau chuyến đi giao lưu.