Có được nghỉ dưỡng sức sau khi sẩy thai không?
(Dân trí) - Sau khi nghỉ hết số ngày nghỉ tối đa của chế độ sẩy thai, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu đi làm trở lại mà sức khỏe còn yếu thì lao động nữ được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe.
Trong trường hợp sinh con bình thường, sau thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 6 tháng, lao động nữ đi làm lại còn được hưởng thêm chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe.
Tuy nhiên, trường hợp đồng nghiệp của chị Thảo khá đặc biệt khi bị sẩy thai ngay sau khi hưởng hết chế độ thai sản của con trước.
Cụ thể, lao động nữ này sinh con vào ngày 3/7/2022, nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến ngày 2/1/2023. Sau đó, chị này được cho nghỉ việc dưỡng sức sau thai sản từ ngày 26/1/2023 đến 30/1/2023.
Trong thời gian này, đồng nghiệp của chị Thảo lại mang thai. Đến ngày 1/4/2023 thì bị sẩy thai, được nghỉ việc hưởng thai sản 20 ngày, từ ngày 1/4/2023 đến hết ngày 20/4/2023.
Tuy nhiên, khi lao động nữ này xin nghỉ dưỡng sức sau thai sản thì công ty không đồng ý với lý do sau khi sẩy thai không được nghỉ dưỡng sức.
Chị Thảo thắc mắc: "Công ty trả lời là đồng nghiệp của tôi không được nghỉ dưỡng sức sau đợt thai sản tháng 4/2023 có đúng với quy định của pháp luật không?".
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 quy định: "Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền".
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản tối đa trong trường hợp này kéo dài từ 10 đến 50 ngày, tùy theo số tuổi thai nhi khi bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.
Điều 41 Luật BHXH năm 2014 quy định rõ việc lao động nữ sau thời gian hưởng chế độ thai sản trên, bắt đầu đi làm lại mà sức khỏe chưa phục hồi trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày.
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định. Trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định.
Trường hợp nghỉ thai sản liên tiếp 2 lần trong năm như của đồng nghiệp chị Thảo được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn chi tiết tại Khoản 9, Điều 1 Thông tư số 06/2021/TT-BLĐTBXH; bổ sung Khoản 3 và Khoản 4 vào Điều 13 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.
Cụ thể, đối với lao động nữ trong một năm vừa nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong trường hợp bị sẩy thai; vừa nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian hưởng chế độ thai sản trong trường hợp sinh con thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong năm đối với mỗi trường hợp không quá thời gian tối đa quy định (5-10 ngày).
Theo BHXH Việt Nam, đối chiếu với các quy định trên, trường hợp đồng nghiệp chị Thảo đã nghỉ hết số ngày nghỉ tối đa của chế độ sảy thai, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu đi làm trở lại mà sức khỏe còn yếu thì vẫn được nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định.