Thanh Hóa:
Chuyện về Trưởng bản Tà Cóm và cách vươn lên thoát nghèo
(Dân trí) - Không những là người đầu tiên trong bản thoát nghèo với thu nhập ngót trăm triệu đồng mỗi năm, Trưởng bản Thào A Thái còn hỗ trợ những gia đình khác tìm kế sinh nhai, nỗ lực thoát nghèo.
Quyết tâm thoát nghèo
Bản Tà Cóm, cách trung tâm huyện Mường Lát khoảng 70km. Để vào được bản, từ trung tâm xã Trung Lý phải băng qua 54km đường rừng. Cả bản có 102 hộ người dân tộc H'Mông, đến nay đã có 7 hộ thoát nghèo. Trong đó, hộ của Trưởng bản Thào A Thái là hộ đầu tiên của bản nộp đơn xin thoát nghèo.
Suốt 15 năm làm trưởng bản, ông Thào A Thái luôn trăn trở làm sao để gia đình có cơm no áo ấm, thoát khỏi đói nghèo. Nhưng với 10 nhân khẩu gồm một mẹ già, 2 vợ chồng ông và 7 người con nên cảnh nghèo, đói vẫn đeo bám hết năm này sang năm khác.
Không đầu hàng, năm 2010, ông Thái mạnh dạn vay 15 triệu đồng ngân hàng chính sách mua bò sinh sản. Bên cạnh chăn nuôi, gia đình ông nhận hơn chục ha đất rừng để trồng vầu, xoan.
Ban đầu, việc làm ăn không mấy suôn sẻ, cây rừng chậm thu hoạch, vật nuôi liên tục chết khiến ông lâm cảnh nợ nần, đói kém.
Quyết không nản lòng, nhận thấy nuôi trâu bò thả rông trên rừng núi có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Thái tiếp tục vay mượn đầu tư nuôi trâu, bò, dê.
Năm 2015, ông vay thêm 30 triệu nữa để đào ao nuôi cá. Dần dần các con vật, cây trồng bắt đầu cho thu nhập, ông Thái trả hết nợ cho ngân hàng, lại có vốn quay vòng để đầu tư chăn nuôi, sản xuất.
Đàn trâu bò từ 20 con (năm 2017) đến nay đã lên hơn 70 con, cá dưới ao ngày một nhiều và 3 ha rừng vầu, hơn 10 ha rừng xoan nay cũng gần thu hoạch. Mỗi năm, trưởng bản Thào A Thái cũng thu nhập ngót 100 triệu đồng.
Đến năm 2017, nhận thấy gia đình mình không còn nghèo và để làm gương cho các hộ trong bản, ông Thái đã làm đơn lên xã xin được thoát nghèo.
Tặng "cần câu cơm" cho hộ nghèo
Khi kinh tế gia đình ổn định, Trưởng bản Thào A Thái tiếp tục giúp đỡ những gia đình trong bản có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.
Năm 2018, sau khi báo cáo qua xã, ông đã tặng 3 con bò cho 3 gia đình nghèo nhất bản gồm; gia đình anh Sùng A Chua, Sùng A Tủa, Thào A Gia. Ông Thái đang ấp ủ ý định gây giống và chăm sóc đàn lợn thật tốt, thật khỏe mạnh để tặng từ 3-4 con lợn cho bà con trong bản.
"Để những hộ nghèo bỏ ra cả chục triệu mua một con bò gây dựng cơ nghiệp thì rất khó trong khi gia đình tôi giờ đã no đủ, đàn trâu bò cũng sinh sản đều nên tôi tặng bò cho những hộ nghèo khác làm "cần câu cơm". Hy vọng trong vài năm tới con bò đó sẽ đẻ ra nhiều con bò khác, như vậy bản làng sẽ thoát được nghèo đói.
Mình là cán bộ, mình phải đi trước đón đầu, phải tìm cách phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu, bà con dân bản sẽ học theo. Tới đây, mình sẽ cùng bà con trong bản trồng thêm cây vầu, cây nhám, vì đây là những loại cây trồng rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng đất khó này" - trưởng bản Thào A Thái tâm sự.
Theo ông Quách Văn Mỵ, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Bản Tà Cóm có 103 hộ với 568 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông. Đây là bản khó khăn và xa xôi nhất của huyện Mường Lát, số hộ nghèo chiếm 94,06%.
"Những năm qua, trưởng bản Thào A Thái luôn đi đầu trong công tác giảm nghèo, giúp đỡ bà con trong bản phát triển kinh tế. Tham gia sản xuất giỏi, phát triển kinh tế địa phương, anh Thái được các cấp, các ngành tặng nhiều Giấy khen và danh hiệu hộ gia đình sản xuất giỏi. Anh Thào A Thái được bình chọn là một trong những điển hình tiên tiến được biểu dương khen thưởng tại Đại hội thi yêu nước tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2015 - 2020" - ông Quách Văn Mỵ nói.
Được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản từ năm 2006, anh Thào A Thái luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Anh thường xuyên vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình cho bà con trong bản. Đến nay, nhiều diện tích lúa nương trong bản được chuyển đổi sang trồng lúa nước và kỹ thuật thâm canh lúa nước được bà con áp dụng nên đã nâng cao năng suất lúa gấp nhiều lần so với trước.
Đặc biệt, với việc khai thác thế mạnh phát triển chăn nuôi, hơn 90% số hộ của bản Tà Cóm đã phát triển chăn nuôi, tổng đàn trâu, bò lên tới hàng trăm con. Từ một bản 100% hộ nghèo, Tà Cóm hiện đã có 7 hộ thoát nghèo.