Chuyện về cuốn nhật ký của người lính 17 tuổi mà đoàn Tổng thống Mỹ mang sang Việt Nam
(Dân trí) - Nâng niu chiếc hộp kỷ vật vừa được cựu binh Mỹ trao trả nhân dịp Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam, ông Thiện đặc biệt xúc động, nâng niu cuốn nhật ký chiến trường đã thất lạc hơn nửa thế kỷ.
Chiều 11/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden chứng kiến lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Mỹ trao tặng các kỷ vật chiến tranh.
Trong số kỷ vật Mỹ trao trả có nhật ký chiến trường của cựu binh Nguyễn Văn Thiện (quê Thái Bình). Đây là cuốn sổ một lính Mỹ thu được sau trận càn năm 1967. Sau đó cuốn nhật ký được bàn giao cho chính phủ Mỹ.
Tại ngôi nhà nhỏ của mình trên phố Trung Kính (Hà Nội), người lính già chưa hết bàng hoàng, xúc động khi nhận lại được kỷ vật mà ông nghĩ đời mình không bao giờ có thể tìm lại.
"Cuốn nhật ký đó tôi viết năm 17 tuổi, trên đường vào chiến trường miền Nam. Sau khi cuốn sổ bị thất lạc, tôi viết quyển nhật ký thứ hai và cũng mất, trong thời gian điều trị vết thương. Quyển nhật ký thứ 3 được viết trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ và tôi còn giữ đến hiện tại", ông Thiện cho biết.
Sau khi nhận lại cuốn nhật ký từ tay cựu binh Mỹ, trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều 11/9, ông cho biết đó là giây phút không bao giờ quên.
Trong câu chuyện của mình, ông Thiện nhiều lần bày tỏ xúc động, gửi lời cảm ơn tới những cựu binh Mỹ, Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ trong nỗ lực đi tìm chủ nhân của những kỷ vật chiến tranh.
"Mọi việc được giữ bí mật cho tới khi tôi nhận lại cuốn nhật ký của mình dưới sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Joe Biden. Đó là giây phút tôi không bao giờ quên", ông Thiện nhắc lại.
Ông chia sẻ, người trao lại cuốn nhật ký cho ông là một cựu binh Mỹ từng tham gia chiến trường miền Nam. Tại sự kiện, ông và người cựu binh phía bên kia chiến tuyến dành cho nhau cái ôm trong ngày hội ngộ đầy xúc động.
"Cuộc đời tôi tìm lại được cuốn nhật ký đã là điều không tưởng. Giây phút đó, tôi nghẹn ngào không nói lên lời.
Chiến tranh là điều không nên xảy ra nhưng nó đã xảy ra. Cuộc chiến để lại những đau thương, mất mát cho cả hai bên. Hiện tại, Chính phủ hai nước đã và đang nỗ lực trong việc hàn gắn, xoa dịu vết thương chiến tranh. Đó là những việc làm hết sức nhân văn", ông Thiện chia sẻ.
Chia sẻ về lý do viết nhật ký, ông Thiện nhớ lại, khi đó đã vào chiến trường, người lính nào cũng xác định "9 phần chết, 1 phần sống", bom đạn không có mắt, có thể đến từng giây. Với tinh thần đó, ông viết nhật ký để lưu lại mỗi ngày ở chiến trường.
"Tôi viết nhật ký để sau này nếu may mắn sống sót trở về có thể xem lại, nhắc nhở quãng thời gian bản thân đã trải qua. Nếu có hy sinh, tôi cũng có chút kỷ vật để lại cho con cháu", ông Thiện nói.
Năm 1967, trong trận càn quét của địch, ông bị thất lạc cuốn nhật ký trên đường cùng đơn vị rút quân. Sau đó, ông viết quyển nhật ký thứ hai và không ngừng hy vọng một ngày nào đó có thể tìm lại được cuốn sổ đã mất.
"Suốt những năm qua, tôi nghĩ cuốn nhật ký đó đã không còn bởi thời gian trôi qua đã rất lâu. Tôi không hi vọng nhiều về việc có thể tìm lại được cuốn nhật ký đó.
Nhưng cuộc điện thoại 3 năm trước báo tin về cuốn nhật ký của tôi được phía Mỹ lưu giữ khiến tôi rất bất ngờ. Tôi không tin và không thể tưởng tượng được quyển nhật ký đó của mình vẫn còn, cho tới lúc nhận lại cuốn sổ từ tay người cựu binh Mỹ đã từng đối đầu trên chiến trường hơn nửa thế kỷ trước", ông Thiện chia sẻ.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thiện mân mê từng con chữ trên trang nhật ký mở ra cơ hội để các cơ quan phía Mỹ lần tìm lại chủ nhân của cuốn sổ. Những dòng chữ được ghi vào ngày 13/2/1967: "Ngày đau khổ nhất vì người anh, người đồng chí của tôi hi sinh trên bước đường công tác...".
(Còn tiếp)