Chuyến tàu cuối năm
Hỏa xa luôn là những hành trình dặm dài với đầy đủ cảm xúc tận trong ngõ ngách cuộc đời. Trên chuyến tàu SE4 đi dọc đất nước có thể cảm nhận hành trình cuối năm, hiểu hơn về nghề tiếp viên đường sắt…
1. Đêm Noel, dòng người hối hả trở về ga Sài Gòn, bịn rịn chia tay kẻ ở người về. Ông già Noel xuất hiện trước cửa các toa tàu, gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến hành khách và tặng quà cho các em nhỏ. Không khí cho cuộc hành trình của tàu SE4 thật sự ấm áp và vui nhộn.
Nhân vật hóa thân thành ông già Noel là phát thanh viên Ninh Xuân Thủy, một trong những người có thâm niên lâu năm trong ngành hỏa xa. Anh Thủy có nhiệm vụ thông báo đến hành khách giờ tàu rời và đến sân ga, các nội quy, quy định trên tàu và những vấn đề phát sinh trong quá trình con tàu lăn bánh.
Ngoài ra, anh Thủy còn một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là "vệ sinh viên". Đây là người đã được học qua công tác sơ cứu, cấp cứu để xử lý những tình huống cấp bách trên tàu liên quan đến sức khỏe hành khách, trong đó có những phi vụ làm... bà đỡ.
Trong suốt 23 năm làm việc trên tàu, những câu chuyện như thế với anh Thủy xảy ra rất nhiều: "Vì đó là nhiệm vụ nên mình không nhớ hết được, chỉ là mỗi lần giúp được hành khách thì trong lòng cảm giác rất vui vẻ và nhẹ nhàng", anh chia sẻ.
Theo anh Thủy, những trường hợp phải đỡ đẻ trên tàu thường là bất đắc dĩ, khi sản phụ trở dạ quá nhanh, điều này không ai mong muốn và hoàn toàn có thể tránh được. Bằng kinh nghiệm của mình, anh cho biết, trên tàu có phụ nữ sắp đến ngày sinh thì nhân viên phải nắm được và dành sự quan tâm đặc biệt, phải luôn hỏi thăm và động viên để người mẹ cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Nếu có thay đổi bất thường nào, họ sẽ báo cho nhân viên để giúp đỡ. Thời gian phụ nữ chuyển dạ sinh con có thể đủ để đáp xuống một nhà ga gần nhất. Anh Thủy từng đưa nhiều phụ nữ xuống ga để "vượt cạn" an toàn mà không phải sinh con trên tàu.
Ngoài chuyện vui, chuyện buồn còn có những câu chuyện đọng lại mãi trong lòng người nhân viên hỏa xa, là tai nạn và sự ám ảnh. Anh Thủy còn nhớ, đó là dịp Tết 8 năm về trước, tàu khởi hành từ Hà Nội vào tới gần ga Nha Trang (Khánh Hòa) thì va phải một chiếc ô tô. Sau khi tàu dừng lại, anh Thủy cùng anh em trên tàu lao xuống kiểm tra thì thấy hai người trên ô tô bị thương. Họ nhanh chóng sơ cứu, băng bó cho nạn nhân. Làm xong việc, anh Thủy có cảm giác chưa yên tâm, anh hỏi những người dân xung quanh trên ô tô đi mấy người, thật sự chỉ hai người hay không? Anh Thủy một mình đi lại chiếc ô tô lúc này đã chìm gần hết để kiểm tra lần nữa thì phát hiện một cánh tay, anh liền hô hào mọi người xuống đẩy ô tô lên và đã cứu sống được một nạn nhân nữa. Tuy nhiên, không phải tai nạn tàu hỏa nào cũng may mắn như vậy, có nhiều câu chuyện tang tóc đến nghẹt thở khiến người chứng kiến không dám kể lại, đó không chỉ là nỗi đau mà còn hằn in trong sâu thẳm ký ức của nhân viên đường sắt. Họ đã phải cất giấu thật sâu trong lòng để nhường chỗ cho nụ cười luôn nở trên môi. Nụ cười ấy nhiệt huyết và cháy bỏng tình yêu nghề nghiệp. Lê Thị Thanh Tuyền, 24 tuổi, một trong 3 tiếp viên nữ của chuyến tàu SE4 là người như thế. Tuyền sinh ra tại Bình Thuận. Nhà ở ngay ga tàu, Tuyền đã lớn lên trong tiếng võng đưa và tiếng tu tu xình xịch của đoàn tàu.
Tuyền yêu con tàu như yêu ngôi nhà bé nhỏ cạnh sân ga và muốn trở thành tiếp viên. Học xong cấp 3, Tuyền thi vào trường Cao đẳng nghề Đường sắt. Được lên tàu, được cống hiến tuổi trẻ và niềm đam mê nghề tiếp viên hỏa xa khiến Tuyền thỏa ước mơ. Dẫu ngành đường sắt những năm trở lại đây gặp nhiều khó khăn và thu nhập từ nghề chỉ đủ vun vén cuộc sống nhưng Tuyền vẫn gắn bó, như cái cách cô từng yêu nó từ thuở thiếu thời.
Những ngày đầu làm tiếp viên, Tuyền cũng bối rối và lạc lõng, cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với hành khách khó tính, say xỉn. Có người thấy cô còn trẻ, họ không tôn trọng khiến Tuyền tổn thương chỉ biết quay đi lau nước mắt. Gặp ca khó, Tuyền phải nhờ trưởng tàu hỗ trợ. Nhưng, bên cạnh đó, còn rất nhiều người yêu thương Tuyền, họ nhớ mãi nụ cười duyên dáng, giọng nói ấm áp và thái độ nhẹ nhàng, tử tế của cô tiếp viên hỏa xa.
Suốt 3 năm theo bánh con tàu, Tuyền đã trưởng thành, mạnh mẽ và thông thuộc mọi công việc. Với Tuyền, được đi dọc dài đất nước, được gặp gỡ, tiếp xúc với muôn người trong vạn nẻo đường, được nghe, thấy mọi cung bậc cảm xúc con người trước cánh cổng sân ga, đã là một đặc ân mà nghề ban tặng cho mình. Tình yêu con tàu được Tuyền truyền cảm hứng cho em gái Bích Trâm, 22 tuổi. Trâm đang chuẩn bị ra trường và sẽ theo chị làm tiếp viên đường sắt.
2. Chuyến tàu khởi hành đúng dịp Noel, trong căng-tin của tàu cũng ngập tràn màu sắc của đêm lễ hội với cây thông, ông già Noel và những bông tuyết trắng xinh, lung linh rực rỡ. Nhân viên phụ trách phòng ăn Phạm Thái Trung và anh em tổ bếp đã dày công tỉ mỉ trang trí không gian này, để mỗi hành khách xuống ăn đều cảm nhận được không khí ấm áp của mùa Giáng sinh, để không ai cảm thấy trống vắng trên chuyến tàu đặc biệt cuối năm.
Tổ nấu ăn trên tàu đều là những thành viên kỳ cựu, họ đã gắn bó với nghề phần lớn cuộc đời của mình. Hành khách đến từ các vùng miền, trong đó có nhiều khách nước ngoài nên ẩm thực trên tàu cũng được chú trọng. Để chuẩn bị cho mỗi bữa ăn, nhân viên phải chọn thực phẩm phù hợp, đa dạng và phong phú theo vùng miền. Không phải khách nào cũng đặt suất ăn trước nên nhà bếp phải dựa trên số lượng khách đi tàu để nấu dự trù, phòng bị, nấu đón đầu, nhưng không phải hành khách nào cũng mua suất ăn trên tàu nên nhiều khi bán không hết. Dù vậy thì công đoạn nấu ăn và phục vụ vẫn diễn ra trôi chảy, không hề nhàm chán, nó giống như hành trình của con tàu, dù khách đầy hay vơi thì bánh tàu vẫn đều đặn đi về sân ga.
13 năm trên hành trình ngược xuôi Nam - Bắc cũng là ngần ấy mùa Noel đáng nhớ trên tàu của anh Trung. Trách nhiệm và bổn phận cứ cuốn thanh xuân và tình riêng mải miết theo những vòng quay. Anh Trung lập gia đình muộn, nhưng để cho người bạn đời hiểu và cảm thông nghề nghiệp của mình, trước khi cưới, anh đã dẫn cô ấy lên tàu. Sau chuyến tàu dài trở về, người yêu không chỉ mê anh mà còn yêu luôn nghề hỏa xa. Sinh xong hai đứa con, nhờ bà ngoại chăm hộ, vợ anh Trung xin làm tiếp viên của đoàn tàu. Hai vợ chồng trên hai chuyến tàu khác nhau, hễ chồng về Nam thì vợ bắt đầu ngược Bắc. Thế nên, cả tháng họ chỉ gặp nhau một lần.
Đêm nay, sau khi tất cả hành khách đã đón Giáng sinh xong, anh Trung nấu một bữa cơm thân mật mời tổ tàu. Bữa cơm Noel muộn có bánh trưng, dưa cải, có phong vị mùa xuân và nỗi lòng của những con người hỏa xa khi Tết đến xuân về. Bữa cơm lần đầu trong đời tôi được ăn, giữa cái se lạnh của đất trời vào xuân, trong tiếng xập xình nghiêng ngả của con tàu, giữa không gian làng mạc, núi đồi thênh thang dọc dài đất nước. Chúng tôi nhìn nhau, kể cho nhau nghe mọi hỷ nộ ái ố của nghề, mỉm cười với hiện tại nhưng cũng lắm lo toan cho tương lai.
3. Người giữ "linh hồn" cho đoàn tàu chính là trưởng tàu Nguyễn Kim Vượng, 36 tuổi nhưng đã có 12 năm gắn bó với nghề. Xuyên suốt hành trình của chuyến tàu, trưởng tàu là người quán xuyến mọi việc và chịu trách nhiệm cao nhất trên tàu. Trẻ trung, mạnh mẽ và quyết đoán, Nguyễn Kim Vượng luôn là bờ vai, chỗ dựa cho anh em trong mái nhà hỏa xa. Vượng tâm sự, anh tôn trọng và trân quý từng thành viên trong tổ tàu. Mỗi người một nhiệm vụ và là một mắt xích không thể thiếu cho chuyến tàu, họ làm tốt thì cả tàu tốt và ngược lại. Anh luôn nhắc nhở anh em phải luôn giữ cho hình ảnh của mình thật đẹp trong lòng mọi người, đó là yếu tố sống còn giữa thời đại cạnh tranh khốc liệt của các ngành dịch vụ lữ hành. Mỗi tiếp viên đường sắt phải để trong trái tim mình châm ngôn của nghề: "Luôn cười, luôn giúp đỡ và luôn xin lỗi".
Trên chuyến hành trình hỏa xa lần này, tôi đã xuống nhiều sân ga, đã không còn cảnh nhảy tàu, buôn bán hàng rong, người ăn xin nhếch nhác, một thời từng gây chán ngán cho không ít khách đi tàu. Công tác phục vụ, tiếp đón hành khách những năm trở lại đây đã được chú trọng, cải tiến rất nhiều. Thái độ ứng xử của nhân viên đường sắt được đánh giá cao. Tuy nhiên, tàu hỏa vẫn không phải là sự lựa chọn của nhiều người. Vì sao vậy? Vì chúng ta đang dùng sản phẩm của hơn 100 năm trước. Dù có cải tiến khâu dịch vụ đến đâu nhưng các tiêu chuẩn kỹ thuật, tải trọng, tốc độ và sức kéo của đầu máy đã cũ kỹ và lạc hậu. Mặt khác, chi phí vận chuyển, giá vé trung bình là quá cao so với giá vé của hàng không và đường bộ, trong khi hành trình từ Nam ra Bắc kéo dài hơn 30 tiếng. Nhiều năm trôi qua, những trăn trở và bài toán đã đặt ra cho ngành đường sắt, nhưng mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ.
Những người đang gắn bó với ngành vận tải đường sắt như phát thanh viên Ninh Xuân Thủy, phụ trách bếp Phạm Thái Trung, trưởng tàu Nguyễn Kim Vượng cho đến thế hệ trẻ như Lê Thị Thanh Tuyền vẫn đang cần mẫn làm việc trong guồng quay như thế. Họ yêu nghề theo cách riêng của mình để tồn tại và sống trọn vẹn trên mỗi hành trình hỏa xa.