Chương trình mục tiêu quốc gia: Động lực để người dân thoát nghèo
(Dân trí) - Là một trong 22 huyện nghèo của cả nước, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đang tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Huyện Đắk Glong (Đắk Nông) phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm trên 7%, giảm tỷ lệ hộ nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ giảm từ 59,06% cuối năm 2021 xuống còn 35% vào năm 2025.
Để thực hiện các mục tiêu, tỉnh Đắk Nông tập trung nguồn lực hỗ trợ huyện Đắk Glong, trong đó, nguồn lực lớn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, với hơn 268 tỷ đồng.
Phóng viên Dân trí có cuộc trao đổi với ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, về những kết quả và định hướng của địa phương này trong quá trình triển khai chương trình.
Thưa ông, huyện Đắk Glong vẫn là một trong 22 huyện nghèo của cả nước, trong đó số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao, tập trung ở hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), điều này đặt ra yêu cầu gì cho huyện trong việc phát triển kinh tế- xã hội?
- Đắk Glong là một huyện nghèo của tỉnh Đắk Nông, đồng bào DTTS chiếm gần 70%, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn; trình độ dân trí thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao.
Nhiều năm qua, địa phương luôn là huyện được ưu tiên nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân di cư không theo quy hoạch.
Theo kế hoạch hỗ trợ huyện Đắk Glong thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được UBND tỉnh Đắk Nông ban hành vào cuối tháng 12/2022, địa phương xác định thực hiện hiệu quả hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững.
Về mục tiêu cụ thể, huyện Đắk Glong xác định việc triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm từ 3% trở lên.
Cũng giống như các địa phương khác của tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Glong "về đích" hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, huyện đã có giải pháp tháo gỡ như thế nào?
- Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2022, huyện Đắk Glong có 40 hộ được hỗ trợ đất ở, 50 hộ được hỗ trợ xây nhà ở, 63 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Tổng kinh phí hỗ trợ để thực hiện 3 nội dung là hơn 5,3 tỷ đồng.
Năm 2023, huyện được giao hơn 5,4 tỷ đồng để hỗ trợ đất ở cho 46 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 70 hộ và hỗ trợ đất sản xuất cho 17 hộ.
Một trong những khó khăn khi thực hiện hỗ trợ cho người dân đó là vướng quy hoạch phân khu phát triển du lịch và quy hoạch bô-xít. Trong đó, các hộ được hỗ trợ đất ở, nhà ở trên địa bàn 2 xã Đắk P'lao, Đắk Som và một phần của xã Quảng Khê nằm trong ranh phân khu chức năng phát triển du lịch, không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Một số hộ được hỗ trợ đất ở, nhà ở trên địa bàn các xã Đắk Ha, Quảng Sơn (huyện Đắk Glong) nằm trong ranh giới vùng quy hoạch khoáng sản bô-xít nên chưa được xây dựng nhà.
Để giải quyết vấn đề này, huyện đã thành lập tổ giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Sau khi kiểm tra thực tế và làm việc với các địa phương, tổ sẽ tham mưu cho UBND huyện hướng giải quyết tách thửa cho các hộ đồng bào DTTS, nhằm triển khai kịp thời chương trình ý nghĩa, nhân văn của Nhà nước.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng làm việc với từng xã, trước tiên sẽ giải quyết vấn đề đất ở cho người dân. Đối với nội dung này, không có cách nào khác là vận động người thân (bố mẹ, anh em) cho, tặng lại đất. Sau khi có đất, UBND huyện sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện, xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong thời gian qua, huyện Đắk Glong đã triển khai những chương trình gì để phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là giúp người dân khó khăn, sinh sống ở vùng sâu vùng xa có điều kiện phát triển?
- Huyện Đắk G'long xác định giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu, mang tính chiến lược lâu dài trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Huyện yêu cầu chính quyền địa phương cần vận dụng các nguồn lực khác để hỗ trợ người dân, nhân rộng mô hình giảm nghèo, đa dạng sinh kế…
Huyện Đắk Glong đã triển khai hỗ trợ sinh kế giúp các hộ dân là người DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, trong số này phải kể đến mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng cây dược liệu, nuôi dê và thỏ.
Nhờ tận dụng những điều kiện thuận lợi về điều kiện tự nhiên và con người, đến nay, các mô hình đã phát huy được hiệu quả bước đầu, mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân.
Để sản xuất hiệu quả, huyện cũng chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Huyện Đắk Glong là một trong số ít các địa phương của tỉnh Đắk Nông triển khai hiệu quả các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu của người lao động và đòi hỏi của địa phương như các lớp trồng trọt, thú y, sửa chữa nông cụ…
Điều đặc biệt, sau khi hoàn thành các khóa học, học viên đều được trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết, áp dụng trực tiếp vào việc sản xuất kinh tế của gia đình.
Song song với công tác đào tạo nghề, địa phương cũng đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho người dân. Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào DTTS, tỷ lệ người mù chữ cao nên xóa mù chữ cho người dân là nhiệm vụ được cụ thể hóa trong nghị quyết của Đảng bộ huyện.
Qua 2 năm triển khai, đã có hàng nghìn người dân (trong đó tập trung chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Mạ, N'nông…) được xóa mù chữ.
Là địa phương được "trợ lực" từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, ông đánh giá như thế nào về chương trình này?
- Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến hết năm 2023, toàn huyện Đắk Glong đã giảm được hơn 12,2% tỷ lệ hộ nghèo chung, là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh Đắk Nông. Có được kết quả này là nhờ vào nguồn vốn từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chăn nuôi, phát triển kinh tế, đặc biệt là từ chính bản thân các hộ nghèo tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo.