Chú trọng chăm sóc người già, trẻ em và người bị bạo hành
(Dân trí) - Ngày 5/10, tại TPHCM, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức buổi tham vấn quốc gia nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công tác xã hội trong ASEAN, qua đó nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế...
Buổi tham vấn cũng là dịp để các chuyên gia Việt Nam và các nước ASEAN thảo luận, chia sẻ về công tác xã hội. Các lĩnh vực được tập trung chia sẻ gồm y tế, giáo dục, chia sẻ pháp luật và các chính sách điển hình tốt.
Theo Tiến sĩ Hà Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) - lĩnh vực công tác xã hội ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích tốt. Tuy vậy, xu hướng bất bình đẳng xã hội, các tệ nạn xã hội, tình hình tội phạm vẫn gia tăng. Sự thay đổi cấu trúc gia đình truyền thống đang diễn ra mạnh mẽ và sự di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng nhiều.
“Điều này đang tạo ra những rào cản đối với tiến bộ xã hội và phát triển của đất nước. Do vậy, đòi hỏi cần phải có những nỗ lực để phát triển công tác xã hội một cách chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu hiện nay”, Tiến sĩ Hà Minh Đức cho hay.
Theo Tiến sĩ Hà Minh Đức, Chính phủ Việt Nam đang từng bước chuyên nghiệp công tác xã hội. Vừa qua, Đề án 32 về phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 đã được triển khai. Tuy vậy, để đề án thành công, Việt Nam cần tăng cường và kiện toàn cơ sở pháp lý, thông qua Luật riêng về công tác xã hội.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, tại một số nước thành viên ASEAN, công tác xã hội vẫn chưa được chú trọng. Những người yếu thế như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, các nạn nhân bị bạo hành gia đình, bị buôn bán... vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Bà Amy Bala, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công tác xã hội Malaysia, công tác xã hội đã có hơn 60 năm ở Malaysia. Tuy vậy, công tác xã hội tại nước này vẫn chưa được quy định nghiêm túc. Công tác đào tạo nghề nghiệp, đạo đức và năng lực của các nhân viên xã hội cũng còn hạn chế.
Để giải quyết vấn đề trên, bà Amy Bala cho rằng nên có quy định đảm bảo việc tuyển dụng, đăng ký, cấp phép cho các nhân viên xã hội. Đào tạo, nâng cao chuyên môn công tác xã hội theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường mạng lưới liên kết giữa các quốc gia và trên thế giới nhằm đưa ra các tiêu chuẩn để nâng cao hạnh phúc cho xã hội.
Đại diện quốc gia Philippines cũng cho hay, từ năm 2017 - 2022, vấn đề an sinh xã hội được xem là một trong những chiến lược tại quốc gia này. Chính sách này đã giúp người dân Philippines không còn đói nghèo, có cơ hội tiếp cận bình đẳng - một xã hội bình đẳng, công bằng và hòa bình.
Trong đó phúc lợi xã hội được xem là phúc lợi của tất cả các thành viên trong xã hội, bao gồm và cả trạng thái thể chất, tinh thần, tình cảm, xã hội, kinh tế và tâm hồn của họ.
Trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, Philippines đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách, chương trình nhằm giảm nghèo và hỗ trợ những người yếu thế. Nhiều biện pháp bảo vệ việc làm, tạo sinh kế cho người dân cũng được đảm bảo.
Tại buổi tham vấn, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng công bố các ưu tiên, sáng kiến của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN gồm: Ưu tiên hoà bình, an ninh và ổn định, ưu tiên liên kết, kết nối khu vực. Thích ứng, tận dụng cơ hội, ưu tiên cho ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN. Ưu tiên đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hoà bình, phát triển và ưu tiên nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động.
Việt Nam cũng đưa ra 4 sáng kiến gồm thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, tận dụng các cơ hội. Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững, nâng cao năng lực thể chế và hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Chia sẻ về các vấn đề trên, đại diện UNICEF Việt Nam cũng cho rằng các quốc gia cần đưa ra khung pháp lý về công tác xã hội. Trong đó, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực bảo vệ trẻ em và phúc lợi xã hội. Cần tập trung xây dựng mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp huyện nhằm phát triển hơn nữa dịch vụ công tác xã hội tại mỗi quốc gia.