"Cần có luật công tác xã hội trong thời gian tới đây"

(Dân trí) - “Việc hình thành một bộ luật về công tác xã hội là rất cần thiết. Bộ Luật này không ôm đồm các quy định về công tác xã hội ở các luật khác, thay vào đó sẽ bao hàm các quy định những nội dung cốt lõi, tính hệ thống về công tác xã hội…”


Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn (thứ 2, từ trái sang) tặng hoa tới các khách mời dự Hội thảo - giao lưu trực tuyến.

Tổng Biên tập Báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn (thứ 2, từ trái sang) tặng hoa tới các khách mời dự Hội thảo - giao lưu trực tuyến.

Đây là chia sẻ với báo giới của ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) bên lề Hội thảo - Giao lưu trực tuyến “Nghề Công tác xã hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý” do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Báo điện tử Dân trí tổ chức hôm 13/9.

Thưa ông, việc hình thành luật về công tác xã hội có tác động ra sao trong lộ trình chính thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước và Quốc hội?

- Việc xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật về Công tác xã hội không chỉ đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và khu vực, mà còn là sự quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng. Điều này đã được nêu rõ tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII, theo đó: “Ưu tiên xây dựng các luật về kinh tế, về các quyền công dân…”.

Mặt khác, chúng ta cần quan tâm tới Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cũng nhấn mạnh. Theo đó: “…ban hành kịp thời, đồng bộ và tổ chức thực thi các pháp luật, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội”.

Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã có cam kết rất cao về phát triển nghề công tác xã hội. Quyết định 32/2010/QĐ-TTg của Chính phủ về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020 đã hình thành được một thống văn bản pháp lý với một số nghị định và thông tư để quy định về nhân viên xã hội, tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ, thang bảng lương.


Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH)

Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản pháp luật phù hợp - một văn bản ở tầm Luật để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này. Qua đó nhằm giúp những người làm công tác xã hội phát triển cả về chất lượng và số lượng, hình thành đội ngũ chuyên nghiệp.

Vâng thưa ông, vậy tới thời điểm hiện nay, các nước trên thế giới đã phát triển hệ thống luật công tác xã hội ra sao?

- Nếu so với các nước phát triển trên thế giới, lĩnh vực công tác xã hội đã tồn tại tới hàng trăm năm. Không chỉ hình thành luật công tác xã hội, nhiều nước ở Châu Âu còn hình thành Hiệp hội nghề công tác xã hội với tuổi đời tới cả trăm năm.

Ngay cả với nhiều nước trong khu vực Châu Á, lĩnh vực công tác xã hội đã tiến khá xa với chúng ta. Các quy định liên quan đến công tác xã hội ở Việt Nam đang ở một khoảng cách rất lớn và có sự thiếu hụt với nhiều nước xung quanh.

Xin nêu 1 ví dụ so sánh với Philippin, chúng ta đang thiếu quy định pháp lý về phê duyệt, giám sát, cấp phép đào tạo công tác xã hội theo chuẩn nghề nghiệp. Đây là quy định rất quan trọng để hình thành đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.

So với nước bạn, chúng ta cũng đang thiếu quy định pháp luật về thi sát hạch chuyên môn và cấp giấy phép hành nghề trong một số lĩnh vực chuyên biệt của công tác xã hội.

Nhiều văn bản pháp luật về công tác xã hội hiện còn “rải rác” ở các bộ luật khác nhau. Vậy, việc hệ thống và hình thành một Luật về công tác xã hội sẽ khắc phục được thực tế gì, thưa ông?

- Việc xây dựng một bộ luật về công tác xã hội là vô cùng cần thiết, nhưng không có nghĩa phải là quy gọn các quy định về công tác xã hội hiện có về một luật.

Bởi các luật chuyên ngành quy định các yếu tố đặc thù.

Ví dụ, các quy định về công tác xã hội nhằm trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý … đã được quy định tại nhiều Luật, Bộ luật chuyên ngành như: Bộ Luật lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Trên cơ sở đó, nhiều chương trình, Đề án và chính sách trợ giúp xã hội đã và đang giải quyết trợ cấp hàng tháng cho hàng triệu người và các đối tượng trợ giúp xã hội.

Tuy nhiên việc hình thành một bộ luật quy định những nội dung cốt lõi, tính hệ thống chúng về công tác xã hội là rất cần thiết.

Theo đó, luật về công tác xã hội sẽ có định hình vai trò, nhiệm vụ, thẩm quyền của công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội trong các lĩnh vực cụ thể.

Luật cũng sẽ ban hành tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ, giấy phép hành nghề; tổ chức và hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của người thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội.

Đồng thời, các chính sách của nhà nước về phát triển công tác xã hội ở các lĩnh vực sẽ được cụ thể hoá hơn, như y tế, giáo dục, lao động thương binh xã hội, các hội đoàn thể chính trị xã hội như phụ nữ, thanh niên, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nông dân; tiêu chuẩn dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực; chính sách phát triển nguồn nhân lực; hợp tác công tư trong việc phát triển ngành công tác xã hội...

VN hiện có hơn 200.000 nhân viên làm nhiệm vụ công tác xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Hồi, cả nước có khoảng trên 200.000 người làm công tác xã hội, gồm: Khoảng 50.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập, các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đào tạo. Chúng ta cũng có gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em tại cộng đồng…

Mạng lưới cộng tác viên và nhân viên công tác xã hội đã và đang góp phần trợ giúp cho các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Hoàng Mạnh