PhotoStory

Chốt tăng lương cơ sở, diễn biến vụ Tịnh Thất Bồng Lai "hút" dư luận

Thực hiện: Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Chốt tăng lương cơ sở, kết quả ADN vụ Tịnh Thất Bồng Lai, tranh luận xung quanh chuyện người hưởng lương hưu trăm triệu đồng/tháng... là những thông tin an sinh hấp dẫn trên Dân trí tuần qua.

Chốt tăng lương cơ sở, diễn biến vụ Tịnh Thất Bồng Lai hút dư luận - 1

Chốt tăng lương cơ sở cho công chức từ đầu tháng 7/2023

Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 đã chính thức được thông qua tại phiên họp chiều 11/11. Theo dự toán, từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.

Về thực hiện chính sách tiền lương theo dự toán, chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023.

Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách Nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Chốt tăng lương cơ sở, diễn biến vụ Tịnh Thất Bồng Lai hút dư luận - 2

Lương cơ sở tăng từ 1/7/2023, trợ cấp BHXH có tăng theo không?

Theo quy định, có nhiều khoản trợ cấp dành cho người tham gia BHXH được tính theo lương cơ sở. Do đó, khi lương cơ sở thay đổi, các khoản trợ cấp này cũng sẽ thay đổi theo.

Lương cơ sở chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức nên nhóm lao động trong khu vực doanh nghiệp hưởng chế độ tiền lương từ thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động không bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, nhóm này vẫn hưởng lợi từ việc tăng lương cơ sở vì nhiều khoản trợ cấp BHXH được tính theo lương cơ sở. Khi lương cơ sở thay đổi, tăng lên 1.800.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2023, các khoản trợ cấp này cũng sẽ thay đổi theo.

Chốt tăng lương cơ sở, diễn biến vụ Tịnh Thất Bồng Lai hút dư luận - 3

Sẽ không còn người hưởng lương hưu "khủng"

Luật hiện hành khống chế mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tối đa không quá 20 lần lương cơ sở nên tới đây sẽ không còn những người nhận lương hưu cả trăm triệu đồng/tháng nữa.

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, người đang hưởng mức lương cao nhất trên địa bàn thành phố là ông P.P.N.T với số tiền 124.700.000 đồng/tháng. Ông T. là trường hợp hưởng lương hưu cao nhất hiện nay (nghỉ hưu từ năm 2015-PV).

Ngoài ông T. cơ quan bảo hiểm hiện cũng đang chi trả gần 1 tỷ đồng mỗi tháng cho khoảng 20 người nghỉ hưu hưởng mức lương khoảng 40-80 triệu đồng. 

Bình luận về câu chuyện này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nhận định, hiện nay số người hưởng lương hưu cao như trường hợp của ông N.T. không nhiều.

"Ông T. được hưởng lương hưu cao do mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trong toàn bộ quá trình làm việc đều theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và luôn đóng BHXH hàng tháng ở mức lương rất cao.

Hơn chục năm làm ở vị trí lương rất cao, lại không bị khống chế mức trần đóng BHXH trong thời gian dài (đặc biệt là 15 năm trước thời điểm ngày 1/1/2007, khi luật BHXH năm 2006 có hiệu lực thi hành) nên khi nghỉ hưu, ông này được hưởng lương hưu cao, theo đúng nguyên tắc đóng nhiều - hưởng nhiều", ông Huân cho biết.

Ông Huân phân tích, giai đoạn trước ngày 1/1/2007, pháp luật không quy định mức trần tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, cho nên người lao động này đã được doanh nghiệp đóng BHXH trên nền tiền lương hàng tháng rất cao. Như thông tin từ cơ quan bảo hiểm, có giai đoạn, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao nhất của ông N.T. lên tới 249 triệu đồng/tháng (tức tiền đóng BHXH mỗi tháng của ông này khi đó xấp xỉ 55 triệu đồng).

Giai đoạn từ sau ngày 1/1/2007, do luật BHXH có quy định khống chế mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (hiện là 1,49 triệu đồng/tháng - PV), nên ông N.T đóng BHXH trên nền tiền lương hàng tháng làm căn cứ đóng BHXH, cao nhất là 23 triệu đồng.

"Với việc khống chế mức trần đóng bảo hiểm xã hội như vậy, tới đây sẽ không còn những người nhận lương hưu cả trăm triệu đồng mỗi tháng nữa", nguyên lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói.

Chốt tăng lương cơ sở, diễn biến vụ Tịnh Thất Bồng Lai hút dư luận - 4

Kết quả xét nghiệm ADN ảnh hưởng thế nào đến trẻ em tại Tịnh Thất Bồng Lai?

Nhận định về vụ việc ở Tịnh Thất Bồng Lai, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu kết quả giám định ADN cho thấy những người sống trong Tịnh Thất Bồng Lai có mối quan hệ huyết thống với nhau thì việc khởi tố thêm hai tội danh là tội "Loạn luân" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là có căn cứ.

Theo vị luật sư, đến nay đã có kết quả giám định ADN nhưng người ở Tịnh Thất Bồng Lai này không chấp hành việc nhận thông báo. Dù vậy, việc không nhận thông báo kết quả giám định ADN sẽ không làm cho vụ việc dừng lại mà chỉ là căn cứ đánh giá về thái độ của "người trong cuộc" với vụ án này.

"Đối với vụ án này, kết quả giám định ADN là chứng cứ khoa học rất quan trọng để chứng minh có hay không mối quan hệ huyết thống của những người có liên quan. Kết quả giám định ADN là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội "Loạn luân".

Nếu kết quả giám định ADN cho thấy những đứa trẻ ở Tịnh thất không có quan hệ huyết thống với những người sinh sống ở đây thì không có hành vi loạn luân. Cũng từ đó, hướng đánh giá về hành vi trục lợi từ thiện từ việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi cũng sẽ khác.

Trường hợp kết quả giám định ADN cho thấy trẻ là con của những người sinh sống tại đây và là hệ quả của hành vi quan hệ tình dục giữa những người có quan hệ huyết thống trực hệ thì có căn cứ để xử lý hình sự người liên quan về tội "Loạn luân" hoặc các tội danh khác về xâm hại tình dục theo quy định của Bộ luật hình sự", luật sư Cường nhận định. 

Dù kết quả giám định ADN những người ở Tịnh Thất Bồng Lai thế nào, những đứa trẻ sinh sống tại đây cũng hoàn toàn vô tội. Việc bảo vệ, chăm sóc, đảm bảo để các em được đối xử bình đẳng được đặt ra.

Chốt tăng lương cơ sở, diễn biến vụ Tịnh Thất Bồng Lai hút dư luận - 5

Hơn 240.000 lao động thiếu việc

Theo thống kê ban đầu của Công đoàn, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm sản xuất hoặc phải chờ đơn hàng.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thống kê trên chưa đầy đủ do tình trạng cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm đang diễn ra diện rộng. Lao động thiếu việc chủ yếu trong doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ.

Những doanh nghiệp mới thành lập, tài chính còn non và sức chịu đựng kém trước đại dịch, lại chịu ảnh hưởng bối cảnh thế giới, nên phải cắt giảm lao động, nhất là những người mới ký hợp đồng. Theo ông Hải, đây cũng là quyết định bất đắc dĩ của doanh nghiệp trong bối cảnh đơn hàng khó khăn.

Lý giải nguyên nhân công nhân thiếu việc, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, nhiều thị trường nước ngoài dự báo sức mua lớn, năng lực chi trả cao, nhưng nay không được như kỳ vọng dẫn đến doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng.