Trồng cây "vàng xanh", nông dân xứ Thanh thu bộn tiền
(Dân trí) - Cây riềng được mệnh danh là "vàng xanh", giúp nhiều nông dân ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa có việc làm, thu nhập tốt.
Ông Nguyễn Đăng Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Khê, cho biết, toàn xã có 110ha riềng. Năm 2024, địa phương này thu gần 40 tỷ đồng từ trồng riềng. Chính vì vậy, nơi đây được xem là "thủ phủ" của cây riềng tại huyện Như Thanh.
"Cây riềng là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Chúng tôi ví riềng là "vàng xanh" vì cây này tạo việc làm cho 100 lao động, với mức thu nhập 250.000-300.000 đồng/người/ngày. Thu nhập từ những vựa riềng giúp nhiều gia đình có của ăn, của để, đầu tư cho con cái học hành", ông Sáu nói.
Ông cho biết, cây riềng được trồng ở xã Cán Khê từ 20 năm trước. Ban đầu, người dân trồng xen canh cùng các loại cây hoa màu khác và bán ở chợ truyền thống trong huyện. Qua nhiều năm, thị trường ưa chuộng nên diện tích riềng ngày càng được mở rộng.
Cây riềng là loài cây chịu hạn tốt, thích hợp trồng ở vùng đất cao, khô cằn. Ăn Tết xong, người dân bắt đầu xuống giống. Sau một năm, loài cây này bắt đầu cho thu hoạch. Riềng có thể khai thác quanh năm và lưu gốc đến 10 năm.
"Chúng tôi đang tích cực quảng bá sản phẩm riềng của quê hương, đồng thời kết nối với các nhà đầu tư để chế biến các sản phẩm khác từ riềng", ông Sáu thông tin.
Gia đình chị Lưu Thị Lý, ở thôn 5, xã Cán Khê trồng 10 sào. Năm vừa qua, chị Lý thu được 25 tấn riềng/2 vụ. Với giá bán 7.000-9.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, chị lãi 150 triệu đồng.
Chị Lý cho biết, trước đây, gia đình chị cấy lúa nhưng không hiệu quả. Năm 2018, chị chuyển sang trồng riềng. "Chi phí đầu tư một sào hết khoảng 3 triệu đồng. Cây riềng ít sâu bệnh, sinh trưởng nhanh, không tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần so với trồng lúa, sắn, ngô", chị Lý bật mí.
Theo chị Lý, năm nay, thời tiết thuận lợi, riềng được mùa, được giá, người trồng rất phấn khởi. "Dịp cuối năm, gia đình tôi thu 4 tấn riềng, bán được 36 triệu đồng. Tôi dành một phần tiền để sắm Tết, một phần gửi tiết kiệm", chị Lý chia sẻ.
Gia đình anh Lê Văn Linh (ở thôn 5) nhiều năm nay cũng có thu nhập cao từ riềng. Với 13 sào riềng, mỗi năm gia đình anh thu được 35 tấn, "đút túi" hơn 200 triệu đồng tiền lãi.
Anh Linh cho hay, việc trồng, chăm sóc riềng đơn giản nhưng khi thu hoạch lại tốn nhiều công, yêu cầu người đào phải có sức khỏe. Vào đợt thu hoạch, gia đình anh phải thuê thêm 2 lao động. Lao động nam đảm nhiệm việc cuốc đất, đào riềng; lao động nữ tách đất khỏi củ, cắt rễ, rửa sạch riềng, đóng vào bao tải, bán cho thương lái.
Theo anh Linh, năm 2021, giá riềng giảm xuống mức thấp, chỉ 4.000 đồng/kg, gia đình không vội thu hoạch mà để già, nâng cao sản lượng. Từ năm 2023 đến nay, riềng luôn được giá, có lúc đạt mức kỷ lục 9.000 đồng/kg.
Người nông dân này nhận định, sở dĩ củ riềng đắt hàng là bởi loài củ này được dùng làm gia vị, tạo mùi thơm cho các món ăn. Trong Đông y, củ riềng còn là dược liệu dùng để chữa nhiều loại bệnh.
Để đảm bảo phát triển bền vững cho cây riềng, anh Linh mong chính quyền sớm thu hút được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng bị thương lái ép giá.