Chông chênh đời công nhân
…Đến xóm công nhân, vào khu nhà trọ những ngày này, câu chuyện râm ran vẫn là "có bị cắt hợp đồng chưa, bị giảm giờ làm không"…
Nếu như trước kia, nói đến công nhân là công việc vất vả, tối mày tối mặt và mệt mỏi vì tăng ca liên tục… thì bây giờ, có việc làm ổn định, được tăng ca đều đặn lại là niềm mong mỏi, ước ao của bao người.
1. Bước chân vào miền Nam khi tuổi đời vừa qua ngưỡng 20, chị Nguyễn Thị Nhâm, quê Nam Định là bà mẹ hai con, hàng ngày vẫn luôn quay cuồng với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Đời công nhân vốn nhàm chán và vất vả, nhưng bù lại có thu nhập đều đặn mỗi tháng, dù đồng lương khi thiếu khi vơi. 15 năm khoác trên mình chiếc áo công nhân may xuất khẩu tại một công ty ở Thuận An (Bình Dương), chị Nhâm luôn nghĩ mình sẽ gắn bó với công việc này cho đến khi đủ tuổi nhận lương hưu hoặc ít ra cũng lãnh được một khoản rút bảo hiểm kha khá. Nhưng, trong "làn sóng" công nhân mất việc làm tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương từ năm 2022 đến nay, cuối cùng, chị Nhâm cũng bị gọi tên.
Rồi tháng 6 cũng đến, đó là ngày chị Nhâm và hàng trăm công nhân chính thức nhận quyết định chấm dứt hợp đồng lao động. Chị chếnh choáng bần thần, nước mắt buồn khổ trào ra. Mấy chị em ôm nhau động viên, cố gắng giữ sức khỏe để còn đi tìm công việc khác.
Bước ra cổng công ty, chị Nhâm không trở về nhà trọ mà tất tả lao ra đường tìm đến các cây cột điện, trụ bê tông để tìm việc làm thời vụ được dán trên đó. Phận công nhân, lại một nách nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học và một mẹ già khiến người phụ nữ này buộc mình phải lăn xả, làm bất cứ việc gì có thể cho những ngày thất nghiệp phía trước.
Tìm cả buổi chị Nhâm cũng chọn được công việc rút chỉ thừa bao tay cho một nhà xưởng nhỏ ở gần phòng trọ tại phường Dĩ An, TP Dĩ An (Bình Dương). Đây là việc làm khoán, vừa làm ở nhà xưởng vừa có thể mang hàng về nhà làm tiếp. Chị Nhâm đi làm từ 6 giờ sáng, đến 7 giờ tối mới về, tiền khoán được trên 300 ngàn. Số hàng mang về nhà, sau khi chăm sóc cho hai con nhỏ, chị và mẹ già cặm cụi làm cho đến 12 giờ đêm, kiếm thêm được 200 ngàn nữa.
Tuy nhiên, sản phẩm chỉ đủ làm trong 10 ngày, muốn làm tiếp phải chờ một tháng sau. Chị Nhâm lại ra cột điện tìm việc, đi đến chục cái cột điện mới được việc làm phù hợp, gọi điện hỏi chỗ thì đủ người, chỗ không nghe máy, chỗ lại lừa phỉnh kiểu trêu chọc cho vui.
Bạn bè mách chị Nhâm nên đến Trung tâm giới thiệu việc làm để có nhiều cơ hội hơn. Chị nghe lời, chuẩn bị bộ hồ sơ đến trung tâm. Tại đây, chỉ có công việc chăm sóc người bệnh tại nhà là hợp với khả năng của mình nên chị Nhâm đã chọn. Quy định làm thử một tuần nếu chủ nhà hài lòng thì sẽ ký hợp đồng thời vụ và bắt đầu tính lương.
Thân chủ của chị Nhâm là cụ ông năm nay 75 tuổi, bị tai biến 3 năm và không thể đi lại được. Chị Nhâm có nhiệm vụ cơm cháo, thuốc thang và vệ sinh thân thể cho cụ. Việc này chị Nhâm có kinh nghiệm, vì đã từng chăm sóc bố đẻ gần 10 năm trời bị tai biến. Chị làm xuất sắc công việc trong vòng một tuần và được chủ nhà quý mến, muốn giữ lại lâu dài, ký hợp đồng với mức lương 8 triệu/ tháng bao ăn, ở. Chị Nhâm ra điều kiện không ngủ lại đêm do nhà có con nhỏ và mẹ già, chỉ làm ban ngày. Chủ nhà không đồng ý, vì ban đêm mới là thời điểm cần người nhất. Người già ít ngủ đã đành, cụ ông lại ngày ngủ đêm thức trắng, còn có sở thích nghe đọc sách và bày vẽ ra đủ thứ trò giải khuây. Cuộc ngã giá không thành, chị Nhâm bị loại.
Quay cuồng với nỗi lo tìm việc, đè nén người đàn bà vừa bước sang tuổi 38 khiến chị già đi rất nhanh. Ở tuổi dở dang này, không nơi nào nhận chị Nhâm vào làm công nhân nữa, chị xoay xở mãi cũng "chốt" được một chân làm lao công cho xưởng sản xuất đồ nội thất ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh với mức lương 5 triệu đồng/ tháng.
Số tiền này không đủ sống cho cả gia đình của chị nên buổi tối và ngày nghỉ cuối tuần chị nhận hạt điều về bóc vỏ. Mỗi ký hạt điều thành phẩm sẽ được trả 15 ngàn. Trung bình một tuần, gia đình chị Nhâm bóc được 50 ký, thu về 750 ngàn.
Dự định của chị Nhâm là khi nào rút được bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội sẽ dành ra một khoản nhỏ gửi tiết kiệm phòng ốm đau, số còn lại chị ra khu chợ cóc gần phòng trọ thuê cái sạp bán rau dưa và tạp hóa. Nếu buôn bán ổn định, chị sẽ nghỉ hẳn việc lao công.
2. Chị Nhâm ở lại thành phố bởi không còn lựa chọn nào khác. Trong khi nhiều công nhân thất nghiệp đã trở về quê hương, tìm kiếm cơ may khác.
Chiều Sài Gòn mưa ướt đẫm mặt người, tôi gặp Lê Thị Thanh Thảo đang đi tìm việc ở Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức trong bộ dạng thất thểu mệt lả. Thảo lắc đầu chán nản khi chưa thể tìm được việc làm.
26 tuổi, cô gái quê Đắk Lắk vào TP Hồ Chí Minh với nhiều dự định lớn lao cho cuộc đời. Đầu năm 2023, Thảo làm việc tại cửa hàng quần áo thời trang ở TP Thủ Đức được ba tháng thì đóng cửa vì ế ẩm. Thời điểm thất nghiệp, Thảo kiếm được anh người yêu rồi cả hai nhanh chóng tổ chức đám cưới. Yên bề gia thất xong, Thảo xin vào làm tại công ty chuyên sản xuất kinh doanh giày thể thao ở TP Thuận An, Bình Dương. Thu nhập không cao nhưng ổn định, Thảo yên tâm gắn bó và hy vọng mình sẽ có một xuất bảo hiểm xã hội cho việc sinh con sau này.
Người tính không bằng trời tính, chỉ chưa đầy hai tháng, công ty của Thảo hết đơn hàng buộc phải sa thải công nhân. Thảo nằm trong danh sách phải nghỉ, vì thuộc diện hợp đồng dưới 6 tháng. Lúc này, chồng Thảo cũng bị cắt giảm giờ làm tại công ty điện tử. Thu nhập chỉ còn chưa tới 5 triệu đồng/tháng, trong khi tiền nhà trọ đã ngốn hết gần 3 triệu. Cuộc sống vợ chồng son rơi vào bí bách, nụ cười sớm vụt tắt, hạnh phúc cũng nhạt nhòa, thay vào đó là nỗi buồn và sự im lặng đến nghẹt thở. Thảo cố gắng vác đơn đi xin việc, nhưng không thể tìm được công việc phù hợp.
Vợ chồng Thảo chơi vơi và không đủ sức để tồn tại ở thành phố nữa. Chỉ sau một tuần gặp tôi, Thảo cùng chồng trả phòng trọ, xách túi ra bến xe về quê nội tại Bắc Giang. Khi thực hiện bài viết này, tôi đã gọi điện hỏi thăm Thảo: "Về quê ổn không?". Thảo buông lời hài hước: "Em về ăn bám bố mẹ chồng, ông bà đang có ý định đuổi đi thì em có bầu nên được ở lại dưỡng thai. Cảm ơn em bé vì đã đến đúng thời điểm". Thảo lặng yên, tôi hiểu được nỗi buồn vời vợi và sự bất lực của một người trẻ từng mang đầy hoài bão kiếm tiền.
3. May mắn hơn nhiều người vì chỉ bị cắt giảm giờ làm, chị Phạm Thị Hương, 41 tuổi, công nhân hàn điện tại công ty sản xuất xe đạp TP Thuận An cho biết, mức lương của chị là công nhân có tay nghề trên 20 năm hiện chỉ còn một nửa, khoảng 6-7 triệu/tháng. Còn công nhân mới thì thấp hơn nhiều, họ phải chạy vạy khắp nơi để duy trì, cầm cự chờ "công ty phục hồi" để được tăng ca thật nhiều.
"Được làm việc đã là hạnh phúc hơn bao người, nhưng tôi không biết tình hình mấy tháng tới sẽ ra sao, nghe đồn đến tháng 7 tháng 8, này công ty còn khó khăn hơn, không biết có được làm nữa hay không", chị Hương buồn bã kể.
Chồng chị Hương là anh Nguyễn Hữu Ưng, cuối năm 2022 công ty kinh doanh nệm ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) cho nghỉ mà không thông báo một lời. Sau này anh biết là công ty thiếu đơn hàng, bà chủ buộc phải giảm lao động, có thể người ta ngại công bố nên âm thầm cho nghỉ như vậy. Không xin được làm công nhân, anh Ưng đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Thời buổi công nhân thất nghiệp tràn ra đường tìm việc, trong đó rất nhiều người tham gia vào biệt đội Grapbike nên cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Do không đoán biết được tình hình kinh tế khó khăn, trước đó vợ chồng chị Hương đã vay tiền mua căn nhà tạm sổ chung tại Thuận An. Nay thu nhập bị giảm sâu, vợ chồng chị Hương gặp áp lực rất lớn về khoản nợ. Vợ chồng ngồi với nhau, bàn tính đủ cách, trong đó không loại trừ khả năng phải bán nhà. Nhưng tình hình bất động sản thê thảm như hiện nay, phương án này quá khó và không khả thi. Họ lại bàn, hay là đóng cửa về quê nhà Thanh Hóa. Nếu về thì chỉ có thể ở bên ngoại, nhà nội không còn chỗ nữa. Khi nhìn lại hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học, việc chuyển trường về quê không dễ dàng, người mẹ quay đi thở dài. Suy tính bao ngày, cuối cùng vợ chồng chị Hương vẫn chưa chọn được phương án nào khả thi.
Anh Ưng chạy xe ngày đêm, không dám nghỉ. Còn chị Hương, lúc nào cũng nghe ngóng xưởng cơ khí gần nhà có cần tuyển thợ hàn không để tới xin làm thêm. Gánh nặng gia đình, chi phí sinh hoạt, các khoản nợ vẫn không bằng nỗi lo ở quê nhà cha mẹ hai bên đều đã già, sức khỏe yếu kém. Chị Hương canh cánh trong lòng, thổn thức không yên. Điều ước hiện tại của chị là cha mẹ được khỏe mạnh, bản thân đủ sức khỏe để bớt đi nỗi lo thuốc thang và gánh nặng chăm sóc. Trăm thứ lo cứ đổ dồn lên những phận đời công nhân xa xứ…