Hướng hỗ trợ hiệu quả với công nhân dệt may trong thời điểm khó khăn
(Dân trí) - Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH ghi nhận đề xuất của doanh nghiệp, người lao động về hướng hỗ trợ để giảm bớt khó khăn với ngành dệt may thời điểm này.
Ngày 22/6, đoàn công tác Trung ương về tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động theo Chỉ thị số 29-CT/TW. Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dẫn đầu.
Tại cuộc làm việc, để tiếp tục hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết rất vui khi thấy hướng đi của Tập đoàn Dệt may cũng như Tổng công ty May 10 đã "vì người lao động".
Thứ trưởng đánh giá cao Tập đoàn Dệt may dù quản lý rất đông nhân sự (hơn 60.000 người) nhưng rất quan tâm, chú trọng đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động.
Về những kiến nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết sẽ ghi nhận, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ.
Đối với kiến nghị giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ, từ 10/2021, doanh nghiệp và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 được giảm mức đóng BHTN cho người lao động xuống bằng 0% trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên đến nay chính sách này đã được bãi bỏ vì các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khó khăn do Covid-19 đã hết hiệu lực thi hành.
"Nếu doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn thì làm văn bản gửi Bộ, từ đó chúng tôi sẽ nghiên cứu, xem xét báo cáo cơ quan có thẩm quyền", Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết.