Chiếc điện thoại, gian hàng online với chuyện tự chủ tài chính của phụ nữ

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Nhiều chị em tận dụng thế mạnh của thương mại điện tử để buôn bán, mở gian hàng kiếm thêm thu nhập. Chủ động tài chính giúp vị thế của phụ nữ so với nam giới trong gia đình cân bằng hơn.

Hồng Phương làm kế toán cho một doanh nghiệp sản xuất nội thất với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Chồng Phương làm công nhân, thu nhập kể cả tăng ca cũng được gần 10 triệu đồng.

Mức lương này đủ cho 2 vợ chồng chi tiêu ở TPHCM nhưng không tiết kiệm được nhiều cho kế hoạch sinh con, mua nhà. Do đó, Phương quyết định học bạn bè bán hàng online.

Để hạn chế rủi ro, Phương chọn bán thực phẩm khô như các loại hạt, trái cây sấy, thịt cá khô… Ban đầu, chị tận dụng facebook cá nhân của mình để bán cho người quen. Dần dần quen việc, Phương đăng ký gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada… nên có thu nhập đều đặn, tiết kiệm được nhiều hơn.

Chiếc điện thoại, gian hàng online với chuyện tự chủ tài chính của phụ nữ - 1

Chỉ với laptop hay điện thoại di động, nhiều phụ nữ có thể kiếm thêm từ công việc bán hàng online để cải thiện thu nhập (Ảnh minh họa: Nguyễn Tuyền).

Có được thu nhập tốt từ nghề tay trái, Phương bớt lo sợ mất đi công việc chính ở công ty nên làm việc mạnh mẽ và thoải mái hơn. Tiền tiết kiệm được nhiều giúp cô lạc quan hơn cho các kế hoạch tương lai. Thấy vợ bận rộn với 2 đầu việc, chồng Phương tự giác giúp đỡ vợ làm việc nhà để cô có thời gian nghỉ ngơi.

Cách Hồng Phương sử dụng thiết bị di động và các ứng dụng, nền tảng thương mại điện tử để kiếm thêm thu nhập, nâng cao vị thế bản thân trong gia đình là biểu hiện đơn giản về tác động của quá trình chuyển đổi số đến bình đẳng giới trong xã hội, nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình.

Từ thực tế đó, Chính phủ đề nghị các ban ngành liên quan tăng cường các giải pháp chuyển đổi số trong việc thực hiện công tác bình đẳng giới, đề ra những giải pháp chuyển đổi số cụ thể để giúp phụ nữ nâng cao vị thế trong lĩnh vực lao động, việc làm, kinh doanh, y tế, giáo dục...

Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, hiện Chính phủ chưa có đề án, chương trình riêng nhằm tăng cường chuyển đổi số trong thực hiện công tác bình đẳng giới.

Tuy nhiên, nội dung này được lồng ghép trong nhiều chương trình liên quan như: Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030…

Đặc biệt, dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thực hiện bám rất sát mục tiêu hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số để nâng cao vị thế, tăng cường bình đẳng giới.

Dự án đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Đồng thời, dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng những giải pháp công nghệ như truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử, tư vấn về chiến lược kinh doanh, thực tiễn sản xuất và bán hàng…

Ngoài các chương trình lớn, các bộ, ngành, cơ quan cũng triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến, hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm…

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc triển khai các chương trình, đề án trên trong thời gian tới sẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện công tác bình đẳng giới; trong đó, phụ nữ ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên hỗ trợ.