Chênh lệch giới quá cao, tương lai đàn ông Việt phải "giành giật" vợ?

An Linh

(Dân trí) - Nhiều địa phương thuộc Đồng bằng sông Hồng có sự chênh lệch giới tính sinh cao nhất cả nước, duy trì 10 năm qua, khoảng bé trai 115,5/100 bé gái; tăng nhẹ so với mức 115,3/100 vào năm 2009.

Cảnh báo được đưa ra trong báo cáo "Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021" vừa được công bố chỉ rõ, tỷ số chênh lệch giới tính sau sinh của Việt Nam hiện gia tăng, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Hồng.

Cụ thể, chênh lệch giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2019 vẫn ở mức cao, khoảng 111,5 trẻ sơ sinh nam trên 100 bé gái sinh ra sống. Trong khi đó, tỷ số thông thường ở mức 104-106 bé trai trên 100 bé gái.

Chênh lệch giới quá cao, tương lai đàn ông Việt phải giành giật vợ? - 1

Chênh lệch giới tính sinh tại Hà Nội, Đồng bằng Bắc Bộ đang cao nhất cả nước (Ảnh minh họa).

Báo cáo được Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nghiên cứu từ năm 2009-2019.

Báo cáo của các cơ quan trên cho biết, Đồng bằng sông Hồng có sự chênh lệch giới tính sinh cao nhất cả nước trong 10 năm nghiên cứu, khoảng bé trai 115,5/100 bé gái; tăng nhẹ so với mức 115,3 vào năm 2009. Trong khi đó, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng 10 năm, mức chênh lệch giảm từ 109,9 bé trai/100 bé gái xuống còn 106,9.

Các tỉnh có chênh lệch giới tính cao nhất thuộc về Bắc bộ như Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và Sơn La.

Báo cáo của các nhà nghiên cứu chỉ rõ, để đạt chỉ tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 111 bé trai/100 bé gái vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng sẽ là "thách thức rất lớn", báo cáo đánh giá.

Tuổi thọ của người Việt Nam xấp xỉ 74 tuổi, mức tử vong của nam thường cao hơn nữ ở mọi độ tuổi, tuổi thọ của nam bình quân chỉ đạt 71 tuổi, trong khi nữ là trên 76 tuổi.

Báo cáo cho biết, do hàng triệu phụ nữ cao tuổi nhiều khả năng rơi vào tình trạng sống một mình, nên các chương trình bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe cần tổ chức tốt hơn để chăm sóc người cao tuổi tại nhà, đặc biệt là nông thôn và vùng nghèo

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều chênh lệch về giới trong lĩnh vực lao động, giáo dục, y tế. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết đại dịch Covid-19 tác động đến phụ nữ và trẻ em nhiều hơn nam giới. Cụ thể, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề hơn tới phụ nữ ở Việt Nam, làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới vốn đã tồn tại dai dẳng trên thị trường lao động.

"Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng nhẹ lên 10,8%", Báo cáo chỉ rõ.

"Nhiều bà mẹ có con nhỏ không còn lựa chọn nào khác là phải hy sinh sự nghiệp hay rời khỏi thị trường lao động để chăm con khi trường học đóng cửa", bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho hay.

Theo bà Hà, phụ nữ Việt Nam đang phải mang "gánh nặng kép" giữa công việc được trả lương và công việc chăm sóc không được trả lương.

Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phụ nữ đã phải đảm nhận công việc chăm sóc trong gia đình nhiều gấp đôi so với nam giới. Đây là rào cản hàng đầu ngăn cản phụ nữ tham gia, duy trì và thăng tiến trong lực lượng lao động và đại dịch đã làm gia tăng sự phân chia công việc không công bằng này.