1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

2 năm, hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, hơn 90% là các bé gái

An Linh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước có hơn 4.009 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ.

Báo cáo gửi tới Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ hai đang diễn ra, Bộ LĐ-TB&XH dẫn báo cáo số liệu của Bộ Công an thống kê các trường hợp trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2019-2021. Theo đó, số trẻ bị xâm hại độ tuổi 13-16 tuổi là hơn 2.600 trường hợp, chiếm hơn 66%, có hơn 293 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại.

Số trẻ em bị xâm hại qua các năm qua có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, số trẻ bị xâm hại từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2020 là hơn 1.700 trường hợp, còn từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021 là hơn 2.200 trường hợp, tăng hơn 430 trường hợp.

2 năm, hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, hơn 90% là các bé gái - 1

Tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)

Nhóm đối tượng xâm hại trẻ em trong 3 năm là hơn 4.400 đối tượng, chủ yếu vẫn là nam giới (chiếm 95%), trong đó, hơn 3.400 đối tượng xâm hại trẻ em trên 18 tuổi, chiếm 77%.

Về nghề nghiệp, báo cáo nêu rõ, các đối tượng xâm hại trẻ em có ở đủ các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó hơn 87 đối tượng là cán bộ viên chức, hơn 711 đối tượng là nông dân, hơn 2.100 đối tượng ở các ngành nghề khác, hơn 1.500 đối tượng không có nghề nghiệp và 168 đối tượng là người có tiền án, tiền sự...

Các hành vi xâm hại tình dục trẻ em được ghi nhận trong thời gian qua chủ yếu là hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô và khiêu dâm. Trong đó, cơ quan chức năng xác định có hơn 1.000 vụ hiếp dâm, giao cấu với trẻ em là hơn 1.500 vụ, dâm ô hơn 550 vụ.

Cả nước cũng xảy ra hơn 12 vụ giết, vứt bỏ con mới đẻ, trong đó 9 đối tượng đã bị xử lý.

Ngoài ra, có 2 vụ hành hạ trẻ em được ghi nhận, 4 trường hợp ngược đãi trẻ.

Đáng nói, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2021, cả nước xảy ra hơn 110 vụ án giết trẻ em với 120 nạn nhân.

Về xử lý, theo thống kê của Bộ Công an, cả nước xử lý 3.370 vụ án, trong đó xử lý hình sự 3.462 đối tượng, xử lý hành chính hơn 406 đối tượng.

Dịch Covid-19 làm gia tăng việc xâm hại, bỏ rơi trẻ em 

Về thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, nhiều quy định mới được triển khai thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc tiếp nhận thông tin, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em; tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; đáp ứng yêu cầu thực tiễn phòng, chống xâm hại trẻ em, phù hợp với điều ước quốc tế.

Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, khó kiểm soát, gây ra suy thoái trầm trọng và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới, đặc biệt làm gia tăng bất bình đẳng và nới rộng khoảng cách chênh lệch giàu nghèo.

Các vấn đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, như già hóa dân số, thiếu việc làm, mất việc ở khu vực phi chính thức, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển.

Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, sạt lở đất ngày càng phức tạp với cường độ mạnh, khó lường, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh như đại dịch Covid-19 còn kéo dài, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống khác ngày càng gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột trẻ em, sử dụng mạng để xâm hại trẻ em, trẻ em di cư, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình xâm hại trẻ em sẽ có diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng.

Bố trí ngân sách thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ trẻ em 

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em đến 8 tuổi, đặc biệt giai đoạn 36 tháng tuổi; chính sách trợ giúp nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em di cư và trong các gia đình công nhân tại các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và trong thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nhân lực để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trẻ em; phát triển mạng lưới, nâng cao năng lực người được giao làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, vận động nguồn lực để phát triển mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em tại cơ sở, cộng đồng dân cư.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em, nhất là phối hợp trong việc thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại.

Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em, ưu tiên các mục tiêu, chỉ tiêu về bảo vệ trẻ em.

"Nhân rộng các mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là mô hình phòng, chống xâm hại trẻ em, mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trên phạm vi cả nước", báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH nêu.

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị thời gian tới hình thành, kết nối, mở rộng mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em để tăng cường năng lực, phạm vi cung cấp trực tuyến và trực tiếp các dịch vụ bảo vệ trẻ em, trong đó chú trọng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, phòng ngừa, phát hiện, sơ cứu và điều trị các sang chấn tâm lý cho trẻ em.