1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Chăm lo tới đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai đồng loạt và có hiệu quả nhiều hoạt động chăm lo trong lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội và trẻ em.

Chăm lo tới đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao quà tới người có công với cách mạng ở Bát Xát (Lào Cai). (Ảnh: Giáp Tống)

"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và kinh tế còn nhiều khó khăn, công tác chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vẫn luôn được đảm bảo và đáp ứng tiêu chí "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Cụ thể, ngay từ tháng 1, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-LĐTBXH về việc tổ chức Tết nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với phương châm "Vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm".

Theo đó, các địa phương cần xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, tránh trùng lắp. Đồng thời đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng kinh phí chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 ở các địa phương là gần 2.650 tỷ đồng (tính tới hết tháng 1). Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh chi 813 tỷ đồng; Hà Nội 371,3 tỷ đồng; Hòa Bình 93,68 tỷ đồng; Thái Bình gần 110 tỷ đồng; Thanh Hóa 138,8 tỷ đồng; Nghệ An 146,5 tỷ đồng…

Với mục tiêu trên, Bộ đề nghị các địa phương tiến hành rà soát, nắm tình hình đời sống của các gia đình người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội và công nhân lao động.

Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách. Dịp Tết Nguyên đán, khoảng 12.000 suất quà đã được dành tặng tới các hộ nghèo và quà tặng các trung tâm nhân đạo với tổng số tiền 14,13 tỷ đồng.

Chăm sóc người có công, trẻ em và người lao động

Cũng trong tháng 1, Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTN ngày 11/01/2021 về việc tặng quà cho các đối tượng có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, với 2 mức là 600.000 đồng và 300.000 đồng theo từng đối tượng, tổng số trên 1,681 triệu đối tượng, tổng kinh phí thực hiện gần 518 tỷ đồng.

Theo Bộ Lao động - Thương binh vã Xã hội, ngoài phần quà của Chủ tịch nước, các địa phương đã chủ động trích ngân sách của tỉnh, thành phố và nguồn vận động để tặng quà cho đối tượng chính sách người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

dung.jpg

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và Tổng LĐLĐ VN tới thăm công nhân tại Thái Nguyên. (Ảnh: Giáp Tống)

Một số địa phương dành nguồn kinh phí lớn cho đối tượng người có công như: Hà Nội 106 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh 383 tỷ đồng; Thái Bình 86 tỷ đồng; Thanh Hóa gần 60 tỷ đồng; Quảng Nam 90 tỷ đồng...

Dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có kế hoạch thăm, tặng quà cho gần 5.384 trẻ em tại 25 địa phương với tổng kinh phí 3,115 tỷ đồng. Kinh phí được trích từ nguồn vận động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

Mức quà bình quân dao động từ 500.000 - 1.000.000 đồng/suất, nhiều địa phương chi mức quà cao như Thành phố Hồ Chính Minh 6.500.000 đồng/suất; Quảng Ninh 4.000.000 đồng/suất.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai kế hoạch tặng quà gia đình chính sách, công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt với kinh phí 14,13 tỷ đồng.

Một số địa phương quan tâm, dành kinh phí từ ngân sách và huy động xã hội hóa chăm lo đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, như Quảng Trị 1,214 tỷ đồng; Long An 2,4 tỷ đồng; An Giang 1,34 tỷ đồng; Cà Mau 1,2 tỷ đồng; Bắc Ninh 837,8 triệu đồng.

Ngoài người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội, các địa phương đã quan tâm hỗ trợ cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19; hỗ trợ công chức, viên chức, người lao động lương thấp, hỗ trợ mua vé tàu xe cho công nhân về quê ăn tết; tổ chức chương trình tết sum vầy...

Triển khai nhiều hoạt động bảo trợ xã hội

Về hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021: Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 9.082,515 tấn gạo cho 605.501 khẩu của 14 tỉnh, thành phố: Nghệ An, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Định, Hà Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Cao Bằng, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai.

Về cứu đói giáp hạt: Trên cơ sở đề nghị của các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 2.498,4 tấn gạo hỗ trợ cho 166.560 khẩu của 5 địa phường: Quảng Bình, Lạng Sơn, Đắk Nông, Lai Châu, Gia Lai.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi và hộ nghèo được chú trọng. Một số địa phương quan tâm, hỗ trợ với kinh phí lớn như Hà Nội 87,8 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 197 tỷ đồng; Thanh Hóa 107 tỷ đồng; An Giang 64 tỷ đồng; Lào Cai 45,5 tỷ đồng.

Mức hỗ trợ từ ngân sách cấp tỉnh phổ biến là 300.000 đồng - 500.000 đồng/đối tượng. Một số địa phương có mức hỗ trợ cao như: Bà Rịa Vũng - Tàu 4.000.000 đồng/đối tượng người cao tuổi; Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ người thuộc hộ nghèo 1.250.000 đồng/đối tượng.