"Chăm lo người nghèo là nhiệm vụ quan trọng, nếu vướng mắc phải hỏi ngay"
(Dân trí) - "Việc lo cho đồng bào ở nông thôn, người nghèo và dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị đặc biệt cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chia sẻ.
Kết quả giải ngân đạt thấp
Chiều 20/7, tại tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố Vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Vùng Tây Nguyên về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển hơn 39.000 tỷ đồng cho các địa phương nói trên để thực hiện 3 CTMTQG (chiếm 39,2% nguồn lực đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương để thực hiện 3 chương trình trên các địa phương cả nước).
Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở bám sát các quy định và chỉ đạo của Trung ương.
Riêng trong năm 2023, ngân sách Trung ương bố trí kinh phí thực hiện 3 CTMTQG trong vùng gần 18.000 tỷ đồng (chiếm 36% tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho cả nước).
Trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 9.400 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 8.300 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương trong vùng đã phân bổ gần 8.000 tỷ đồng (đạt gần 84%).
Đến hết ngày 30/6, vốn giải ngân 3 chương trình của các địa phương trong vùng hơn 2.000 tỷ đồng, đạt gần 22% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn 6,5% so với trung bình cả nước (hơn 28%).
Có 17/19 địa phương trong vùng đã thực hiện giải ngân vốn ngân sách địa phương để thực hiện các CTMTQG. Trong đó, Đà Nẵng đã thực hiện giải ngân gần 94% ngân sách địa phương; Nghệ An, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng thuộc nhóm đứng đầu về tỷ lệ giải ngân trên 30%.
Tuy nhiên, một số địa phương trong vùng giải ngân vốn ngân sách địa phương còn rất thấp hoặc chưa có báo cáo về tiến độ giải ngân nguồn vốn.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, các địa phương trong vùng đã quyết liệt trong việc triển khai các nội dung, hoạt động thuộc từng dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình, cơ bản hoàn thành một số mục tiêu trong giai đoạn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc…
Phó Thủ tướng day dứt lo cho người nghèo
Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, trong những việc được Thủ tướng Chính phủ giao thì việc triển khai thực hiện các CTMTQG khiến Phó Thủ tướng lo lắng.
"Không lo lắng sao được, trong 3 CTMTQG thì có địa phương mới giải ngân vốn 8% nhưng đã trôi qua 1 nửa thời gian, tức là còn 90% từ nay đến năm 2025 phải làm xong", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận, có địa phương làm chưa tốt, có địa phương làm khá, nhưng có địa phương không quá quan tâm trong vấn đề này, bởi các nguyên nhân vì tiền không nhiều, công việc vất vả…
"Việc lo cho đồng bào ở nông thôn, người nghèo và vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa nhân văn rất lớn. Nhưng có lẽ đâu đó chúng ta chưa quan tâm trách nhiệm của mỗi người trong vấn đề này", Phó Thủ tướng chia sẻ và yêu cầu các địa phương thẳng thắn nhìn nhận.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng nếu các địa phương cố gắng và trách nhiệm sẽ làm tốt. Các địa phương nêu lý do chậm trễ do chưa có quy định cụ thể cần học tập các địa phương làm tốt sớm triển khai.
"Với tình hình giải ngân như hiện nay, liệu Chính phủ có dám giao nhiều vốn cho các địa phương không, giao thêm nữa thì tỷ lệ giải ngân càng tụt xuống. Về vốn chuyển tiếp, Quốc hội đã cho cơ chế cực kỳ đặc biệt, chuyển tiếp từ năm này qua năm khác nhưng tới đây sẽ chấm dứt", Phó Thủ tướng lưu ý.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần phải trách nhiệm, quyết liệt, tích cực chủ động hơn trong triển khai các công việc, cái gì vướng thì hỏi. Các bộ, ngành phải kết nối tốt hơn với các địa phương, kịp thời lắng nghe các ý kiến để cùng gỡ vướng.