Cha mẹ cần trang bị kỹ năng để con trẻ sử dụng internet an toàn và hiệu quả

Phạm Công

(Dân trí) - Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động giải trí và học tập của trẻ em phải phụ thuộc vào internet. Điều này đòi hỏi phụ huynh cần trang bị kỹ năng quản lý internet trong gia đình hiệu quả.

Internet: Con dao hai lưỡi

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Nguyễn Ngọc Anh, trú tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết: "Gia đình tôi có 2 đứa con trai. Cháu lớn học lớp 5 và cháu bé học lớp 2. Hơn một tháng qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cháu đều phải chuyển sang học online tại nhà".

Để phục vụ nhu cầu học tập của các con, từ đầu năm 2020, chị Nguyễn Ngọc Anh, mua thêm một chiếc điện thoại thông minh và một chiếc máy tính bảng. Nửa tháng trở lại đây, các trường ở Hà Nội cho học sinh nghỉ hè sớm.

Do vậy, khi ở công sở, chiếc điện thoại được chị dùng để quản lý hoạt động của các con ở nhà.

Cha mẹ cần trang bị kỹ năng để con trẻ sử dụng internet an toàn và hiệu quả - 1

Mạng internet giúp 2 con của chị Nguyễn Ngọc Anh có thể kết nối với bạn bè (Ảnh: NVCC).

Chị Nguyễn Ngọc Anh thừa nhận tác dụng của internet và các thiết bị thông minh đã hỗ trợ các con. Qua đó, chị cũng dễ quản lý các con trong mùa dịch. Internet giúp 2 cậu con trai xả stress và giải trí hiệu quả hơn thông qua các kênh nghe nhạc, xem video, nghe kể chuyện, có thể kết nối với bạn bè, giao tiếp, trò chuyện... 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những tác hại mà mạng xã hội tác động tới con trẻ.

Chị Nguyễn Thị Nhung trú tại Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), cho biết: "Con gái tôi năm nay học lớp 7, từ khi nhà trường dạy học online, gia đình cho cháu sử dụng điện thoại di động có kết nối internet để phục vụ việc học tập".

Theo chị Nguyễn Thị Nhung, việc quản lý con cái sử dụng mạng là việc rất khó. Những website "đen" chứa các hình ảnh khiêu dâm, kích động bạo lực, thông tin kinh dị, phản cảm và cực đoan có thể làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em. Điều này khiến chị vô cùng lo lắng.

Bên cạnh đó, các trò chơi (game) trên internet cũng là một trong những nỗi ám ảnh đối với nhiều bậc phụ huynh như chị Nguyễn Thị Nhung. Nhiều học sinh vì quá ham mê chơi game mà bỏ bê học hành hay ảnh hưởng các xu hướng bạo lực từ game.

"Con tôi đang ở giai đoạn phát triển về tính cách, nên gia đình cũng rất khó khăn trong việc quản lý khi con truy cập internet. Tôi cũng chỉ biết thường xuyên nhắc nhở và giám sát" - chị Nguyễn Thị Nhung tâm sự.

Để internet có hiệu quả với con trẻ

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết: "Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc trẻ em sử dụng thiết bị điện tử có kết nối internet để học tập và giải trí trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, nhiều gia đình và trẻ em chưa được trang bị kỹ năng an ninh mạng đầy đủ để phòng vệ trước các mối hiểm nguy từ internet".

Theo bà Nguyễn Thị Nga, việc trẻ em sử dụng internet bên cạnh những lợi ích, cũng có nhiều hạn chế như: Dễ khiến trẻ em bị ảnh hưởng về tâm lý, sức khỏe, học tập... Điều đáng nói, nhiều gia đình chưa biết kỹ năng hoặc xem nhẹ việc bảo vệ trẻ trên môi trường mạng, dễ dẫn đến việc các em có nguy cơ bị xâm hại từ môi trường này. 

Cha mẹ cần trang bị kỹ năng để con trẻ sử dụng internet an toàn và hiệu quả - 2

Việc cho con trẻ sử dụng internet khiến chị Nguyễn Thị Nhung không khỏi lo lắng (Ảnh: NVCC).

Về trách nhiệm đầu tiên, cha mẹ, anh chị là những người trực tiếp nuôi dạy, chăm sóc trẻ. Họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ, hỗ trợ con em tránh những rắc rối khi hoạt động trên môi trường mạng.

"Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em cần trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc về sử dụng internet và những thiết bị thông minh như: Không sử dụng trong phòng ngủ vào buổi tối; đặt thời gian biểu truy cập không gian mạng để khống chế thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích giải trí…" - bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Bên cạnh đó cần đặt các thiết bị truy cập mạng trong phòng khách hoặc phòng sinh hoạt chung của gia đình để giám sát việc sử dụng của con cái.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, điều quan trọng nhất của mọi giải pháp là cha mẹ cần trao đổi cởi mở, trò chuyện với con để biết được con thường truy cập, sử dụng nội dung nào và vì sao để hướng dẫn con cách tìm kiếm, sử dụng thông tin, hình ảnh phù hợp. Cha mẹ thường xuyên hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp và xử trí nếu gặp rắc rối hoặc lo lắng trên mạng.