Cậu bé 10 tuổi nghẹn ngào: "Mẹ cháu đi tù..."
(Dân trí) - "Mẹ cháu đi tù...", Thò Bá Tr. nghẹn ngào trả lời khi được hỏi về mẹ. Một câu nói với 4 từ thôi, đã vẽ ra tương lai màu xám cho cậu học trò nơi biên viễn này.
Xã Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An được xác định là địa bàn phức tạp về tội phạm về ma túy. Sau gần một năm triển khai đề án xã biên giới sạch ma túy, tháng 2, địa phương này được công nhận là xã sạch ma túy. Thế nhưng, ma túy đã và đang để lại những hậu quả nặng nề ở xã vùng cao, biên giới này.
Theo thống kê, toàn xã có 56 trường hợp đang thi hành án, trong đó án liên quan đến ma túy chiếm 2/3. Đằng sau những bản án là phận đời chơi vơi của bao đứa trẻ khi mái ấm gia đình đã khuyết đi một trụ cột...
Ông Lê Viết Minh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Tri Lễ 2 - thông tin: "Có 19 học sinh của nhà trường có bố hoặc mẹ bị bắt giữ hoặc đang thi hành án phạt tù về các tội danh liên quan đến ma túy. Trong đó, phần lớn các em cư trú ở các bản Mông như Tam Hợp, Huồi Mới, Pà Khốm.... Có 16 em thuộc hộ nghèo, 2 em hộ cận nghèo".
Trong số 19 học sinh có bố hoặc mẹ đang đi thi hành án chỉ có 9 em thuộc diện ở bán trú tại trường.
Em Và Bá Th. (trú bản Pà Khốm, xã Tri Lễ) học lớp 3 nhưng nói tiếng Kinh chưa sõi. Hỏi về gia đình, Th. chỉ biết mẹ đi làm công ty, bố đi xa, nhà có 3 anh chị em, chị học lớp 9, anh trai học lớp 7. "Bố đi xa là đi đâu?", tôi hỏi, Th. lưỡng lự một lúc rồi trả lời "không biết".
Bố Th. là Và Bá Tủa (33 tuổi), bị bắt từ hồi tháng 4, khi đang mang 6.000 viên ma túy tổng hợp và 253g heroin vừa mua ở khu vực biên giới huyện Tương Dương (Nghệ An) để mang về bán.
Bố bị bắt, mẹ đi làm công nhân ở miền Nam, việc ăn học của Th. phụ thuộc hoàn toàn vào trường. Cuối tuần, theo quy định của trường, học sinh bán trú sẽ trở về nhà, nhưng Th. cũng không có ai đón, cũng không thể tự đi về.
"Cháu ở với bạn Xểnh. Đến bữa cơm thì vào trường, các thầy cô cho ăn", Th. tiết lộ. Bạn Xểnh học cùng trường, hơn Th. 2 lớp, ở ngoại trú.
Nếu như Th, thuộc đối tượng được ở bán trú tại trường thì Thò Bá Tr. (lớp 5) lại là trường hợp đặc biệt. Nhà Tr. ở bản Na Niếng, gần trường, theo quy định, em không thuộc diện hưởng chế độ bán trú. Thầy cô thương Tr., sợ em bỏ học nên xin ý kiến cấp trên, đưa em vào đây.
"Bố cháu đi làm xa, mẹ cháu đi tù...", Thò Bá Tr. nghẹn ngào khi được hỏi.
Mẹ Tr. là Và Y Mò (34 tuổi) bị bắt giữ vào hồi tháng 5/2022, khi đang vận chuyển 2 bánh heroin thuê cho người ta. Thời điểm ấy, Tr. đang học lớp 4, chị gái học lớp 8, còn em gái mới 3 tuổi. Hồi mẹ bị bắt, bố đi làm công ty mãi tận miền Nam không về, Tr. nghỉ học cả tháng trời, thầy cô phải thay nhau đến nhà, vận động và đưa em trở lại trường.
Em gái Tr. được ông bà ngoại đưa về bản Pà Khốm nuôi, còn chị em Tr. ở lại Na Niếng, vừa trông nhà, vừa để đi học. Từ hồi mẹ bị bắt, bố chỉ về thăm chị em Tr. một lần, hồi Tết năm vừa rồi. Tr. cũng không biết bố làm ở đâu, cũng không biết cách nào để liên lạc được.
"Cháu nhớ mẹ lắm. Lúc nào nhớ mẹ cháu cũng khóc nhưng sợ các bạn biết, không dám khóc to. Cháu muốn gặp mẹ lắm, nhưng không biết mẹ đang ở đâu", cậu bé òa khóc. Có lẽ, Tr. không biết mẹ em vừa bị kết án 20 năm tù…
Ông Lê Viết Minh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tri Lễ 2 - cho biết, hàng năm, nhà trường luôn thực hiện tốt các chế độ chính sách dành cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
"Nhà nước, nhà trường, chính quyền, các đoàn thể chính trị, xã hội... quan tâm, động viên, hỗ trợ để các em có thể đến trường. Ngoài chế độ chung theo quy định nhà nước, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã trích tiền lương đỡ đầu 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi tháng 300.000 đồng/em. Ngoài ra, Đoàn Kinh tế quốc phòng 4 đóng chân trên địa bàn cũng có nhiều phần quà bằng hiện vật hỗ trợ 7 học sinh có hoàn cảnh éo le...", ông Minh thông tin.
Tuy nhiên, vị hiệu trưởng này vẫn còn nhiều trăn trở, lo lắng. Với những học sinh có bố hoặc mẹ đang đi tù, người còn lại đi làm ăn xa, ít liên lạc về thì sự học của các em còn lắm gian nan và nguy cơ "đứt gánh giữa đường" luôn hiện hữu.