"Canh bầu" để chặn nạn bán bào thai ở xã vùng cao
(Dân trí) - Phụ nữ mang thai ở bản Đỉnh Sơn 1, Đỉnh Sơn 2 và Huồi Thợ (Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An) được đưa vào danh sách. Việc kiểm soát chặt thai phụ nhằm chặn nạn mua bán bào thai từng nhức nhối nơi đây.
Công an vào bản "canh bầu"
Định kỳ một tuần 2-3 lần, cán bộ Công an xã Hữu Kiệm lại vượt núi vào bản Huồi Thợ, Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2 - nơi trú ngụ của đồng bào Khơ Mú. Trong chiếc cặp tài liệu không thể thiếu cuốn sổ ghi tỷ mỉ từng trường hợp mang thai. Cứ mỗi trường hợp hạ sinh mẹ tròn con vuông, sẽ được đánh dấu để đưa ra khỏi danh sách quản lý, những trường hợp mới mang thai được bổ sung vào danh sách, ghi chép cụ thể từng tháng thai kỳ.
Ở đây vào cuối năm 2018, đầu 2019 từng là điểm nóng của nạn mua bán bào thai với hàng chục phụ nữ mang bầu, vượt biên sang Trung Quốc sinh con rồi bán đi.
Theo thống kê, toàn xã Hữu Kiệm có 21 trường hợp đi bán bào thai, chủ yếu tập trung ở các bản đông đồng bào Khơ Mú sinh sống. Điểm chung của họ là mù chữ, nghèo, nhận thức về xã hội và pháp luật hết sức hạn chế. Điều đau lòng hơn, họ bán chính núm ruột của mình, sử dụng những đồng tiền ấy để mua sắm ti vi, xe máy, làm nhà...
Có trường hợp đi bán 2 lần, đến lần thứ 3, công an, Hội phụ nữ phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Để tránh thai phụ trốn khỏi bản tiếp tục đi bán bào thai, chính quyền, công an, phụ nữ, cán bộ thôn bản phải "canh" đến khi sinh con. Khi một phụ nữ tại 3 bản nói trên được xác định mang thai, trạm y tế sẽ báo Hội phụ nữ xã và Công an xã đưa vào danh sách để theo dõi, giám sát.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về pháp luật, giúp họ hiểu rằng bán bào thai là hành vi sai trái, vi phạm đạo đức, chính quyền xã vận động thai phụ và chồng ký cam kết "không bán thai nhi với bất kỳ lý do gì". Bản cam kết này có xác nhận của đại diện ban quản lý bản và gửi về Công an xã Hữu Kiệm để theo dõi.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt từ chính quyền cấp xã xuống tận thôn bản, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa UBND xã - Công an - Hội phụ nữ và trạm y tế, tình trạng mua bán bào thai ở xã vùng cao này đã từng bước được kiểm soát và ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Hữu Kiệm cho rằng chưa thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ vấn nạn này.
Xóa đói, giảm nghèo để chặn nạn bán bào thai
Cùng với lập danh sách thai phụ, đưa vào diện giám sát chặt chẽ để kịp thời ngăn chặn khi có ý định rời địa phương, đầu năm 2022, Công an huyện Kỳ Sơn đã xây dựng mô hình điểm về phòng, chống nạn mua bán người ở bản Đỉnh Sơn 2. Các hoạt động tuyên truyền trực quan cũng đã được triển khai cả các bản này.
Ông La Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm cho biết: Thời gian qua, chính quyền kết hợp công an, ngành văn hóa tổ chức chiếu các đoạn phim ngắn về tình mẫu tử, về những đứa trẻ không cha, không mẹ phải đi lang thang kiếm sống. Hình thức tuyên truyền trực quan, kết hợp với sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng đã ngăn chặn được nhiều trường hợp đi bán bào thai. Tuy nhiên, trên thực tế, với điều kiện canh tác khó khăn, người dân còn nghèo, nhận thức hạn chế thì nạn bán bào thai vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Ngoài vấn đề nhận thức lệch lạc về huyết thống, tình mẫu tử, nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do cái nghèo đeo bám dai dẳng xã vùng cao này. Trong khi đó, theo bà Mùa Y Xài - Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Hữu Kiệm, do điều kiện địa hình, thời tiết... việc tạo và duy trì sinh kế bền vững cho người dân, đặc biệt là phụ nữ ở 3 bản Khơ Mú hết sức khó khăn.
"Cốt lõi nhất là giúp người dân tạo được sinh kế bền vững, phát triển kinh tế tiến tới thoát nghèo. Chúng tôi cũng đã xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế cho bà con nhưng chưa có chuyển biến rõ nét. Một số hộ dân đi vào miền Nam làm việc cho các công ty, nhưng đi tự phát thì cũng rất khó quản lý, không loại trừ nguy cơ họ có thể sang nước ngoài bán bào thai.
Xã đang có kế hoạch kêu gọi, kết hợp một số doanh nghiệp tuyển dụng lao động đưa đi làm việc, vừa tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, vừa quản lý, giám sát chặt chẽ hơn để ngăn chặn triệt để vấn nạn mua bán bào thai", ông La Văn Hà cho hay.