Can thiệp sớm, ngăn trẻ em bị bóc lột lao động
(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đặt mục tiêu nâng cấp hệ thống các cơ quan bảo vệ trẻ em, mở rộng phạm vi hoạt động xoay quanh lợi ích của trẻ em, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn lao động trẻ em trong tương lai.
Suốt 16 năm làm việc trong ngành công tác xã hội, anh Trần Duy Hòa (ngụ tại TPHCM) đã tham gia nhiều dự án của Hội bảo trợ trẻ em TPHCM, cùng các nhân viên công tác xã hội thành lập Trung tâm Nâng cao Năng lực, Hỗ trợ Phụ nữ và Trẻ em với chức năng.
Anh từng gặp hàng trăm đứa trẻ bất hạnh, bị bóc lột lao động và cũng đã giúp đỡ các em thoát khỏi nghịch cảnh.
Những mảnh đời bất hạnh
Đối với anh, bọn trẻ đáng thương hơn đáng trách. Các em có điểm chung là không có gia đình trọn vẹn, bị bỏ rơi, không ai dạy dỗ, chăm sóc. Có em còn bị lừa đi làm thuê tại những ổ mại dâm, bị chăn dắt, đánh đập.
"Tổ chức không bắt ép tôi phải làm điều ấy, nhưng khi chứng kiến hoàn cảnh của các em, tôi luôn khao khát muốn đưa tay ra để giúp đỡ", anh Hòa cho hay những đứa trẻ đường phố thường cảm thấy mặc cảm bởi sự kỳ thị của xã hội, nên việc lắng nghe, chia sẻ đã là sự giúp đỡ lớn lao đối với các em.
Mỗi khi có thời gian, anh Hòa lại lân la tiếp xúc trực tiếp với trẻ em đường phố. Các em thường mưu sinh bằng nghề thổi lửa, đánh giày, bán vé số, ăn xin, nhặt ve chai… và quanh quẩn ở bãi rác, lề đường, công viên, gầm cầu. Trong số đó, nhiều em bị gia đình ép đi làm hoặc bị chăn dắt, không ít trẻ vì không có gia đình nên tự nguyện lao động ngay khi còn nhỏ.
Anh thường tiếp cận bằng cách trò chuyện, mua hàng, tặng thức ăn, tổ chức chơi thể thao hoặc dùng ảnh của đứa trẻ có "số má" ở khu vực để tạo sự tin tưởng. Sau khi các em mở lòng, chia sẻ khó khăn và mong muốn được giúp đỡ, anh Hòa sẽ phân tích, định hướng cho các em về một tương lai tốt hơn.
"Chẳng hạn như một số em thường ngủ ở bãi rác sẽ mong muốn có chỗ ở tốt hơn, khi ấy tôi sẽ kết nối cho các em đến các mái ấm, nhà tình thương. Em nào muốn học nghề, có công việc thu nhập ổn định, tôi sẽ giới thiệu cho các em đi học miễn phí rồi đi xin việc làm. Một số trẻ cần được chữa bệnh thì tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho các em được thăm khám, điều trị", anh Hòa chia sẻ.
Ngoài ra, anh còn tuyên truyền cho trẻ cách phòng tránh tệ nạn bóc lột tình dục, sức lao động, buôn bán trẻ em… qua lời nói, video hoặc tài liệu. Nhiều em được giới thiệu về anh Hòa, cũng chủ động tìm đến anh để xin được giúp đỡ.
Hành động nhỏ thay đổi số phận một người
Trong số những đứa trẻ được anh Hòa giúp, có nhiều em vì quen nếp sống tự do, nên đã bỏ trốn khỏi tổ chức bảo trợ. Anh trải lòng rằng, đó là những trường hợp khiến anh nuối tiếc nhất.
"Điều khiến tôi trăn trở là ý thức của mọi người trong cách giúp đỡ các em. Người lớn thường cho tiền khi thấy trẻ đường phố. Điều đó là tốt nhưng chưa đủ, chúng ta phải lan tỏa được việc trao cho các em "cần câu" thay vì chỉ trao "con cá". Mỗi người trong xã hội cần chung tay giúp đỡ thì số lượng trẻ lang thang mới giảm dần, có cuộc sống tốt hơn", anh Hòa tâm đắc.
Điều khiến anh hạnh phúc nhất chính là không ít trẻ lang thang hiện tại đã có cuộc sống tốt hơn rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của những nhân viên công tác xã hội như anh Hòa.
"Có em giờ đã thành chủ nhà hàng, đi làm ở nước ngoài, có gia đình và cuộc sống ổn định. Các em cũng thường xuyên quay về hỏi thăm tôi, chung tay giúp đỡ trẻ đường phố đáng thương như bản thân ngày xưa. Tôi chưa bao giờ hối hận khi theo đuổi công việc này, bởi chỉ cần một hành động nhỏ cũng có thể thay đổi số phận của một đứa trẻ", anh Hòa tự hào, nói.
Theo kết quả Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em, ước tính 9,6% trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 ở Việt Nam là lao động trẻ em. Trẻ em gái (7,6%) có xu hướng tham gia lao động trẻ em nhiều hơn trẻ em trai (6,4%). Tỷ lệ trẻ em ở nông thôn tham gia lao động trẻ em cao hơn trẻ em ở thành thị (8,1% so với 4,6%).
Phần lớn lao động trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp theo là dịch vụ và công nghiệp.
Trước thực trạng đó, Việt Nam đề ra lộ trình giảm dần tỉ lệ lao động trẻ em xuống dưới 9% vào năm 2020, dưới 8% vào năm 2025 và dưới 7% vào năm 2030. Trên thực tế, tỷ lệ này đã giảm dần trong thời gian qua.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 782/QĐ-TTg ngày 27/5/2021 phê duyệt Chương trình, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình; hướng dẫn xác định trẻ em và người chưa thành niên lao động trái quy định của pháp luật; 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 8 Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình; 13 địa phương lồng ghép kế hoạch triển khai Quyết định trong kế hoạch triển khai Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn.
Sắp tới, Bộ LĐ-TB&XH, cùng các bộ, ngành và chính quyền địa phương, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện các chính sách liên quan đến phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định. Các chính sách này sẽ tập trung hỗ trợ trẻ em thông qua giáo dục, đào tạo nghề và đảm bảo an sinh xã hội.
Song song đó, việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành sẽ được tăng cường, nhằm tích hợp công tác giải quyết tình trạng lao động trẻ em vào hệ thống bảo vệ trẻ em. Điều này sẽ được kết hợp với các chương trình giảm nghèo và nâng cao an sinh xã hội để đạt hiệu quả bền vững.
Đồng thời, Bộ cũng đặt mục tiêu nâng cấp hệ thống các cơ quan bảo vệ trẻ em, mở rộng phạm vi hoạt động và đảm bảo mọi biện pháp đều xoay quanh lợi ích của trẻ em, hướng tới xóa bỏ hoàn toàn lao động trẻ em trong tương lai.
Ảnh: Nguyễn Vy, NVCC