Cần sửa luật ủy quyền để công đoàn dễ dàng khởi kiện chủ doanh nghiệp
(Dân trí) - Luật Công đoàn có nhiều quy định để tổ chức công đoàn can thiệp, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, thực tế hoạt động còn nhiều chỗ vướng chưa thể giải quyết.
Sửa quy định để công đoàn dễ khởi kiện hơn
Ngày 11/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án luật Công đoàn (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Hà Phước Thắng, đề nghị các đại biểu bám sát vào các nội dung còn thảo luận, chưa thống nhất như quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp, tài chính công đoàn…
Tại hội nghị, 17 đại biểu đã phát biểu 19 lượt với nhiều ý kiến, tập trung vào các điều khoản quy định trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người lao động.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, nhấn mạnh về quy định tổ chức công đoàn được quyền đại diện người lao động khởi kiện khi quyền lợi người lao động bị xâm phạm.
Theo ông, khái niệm đại diện tập thể người lao động để khởi kiện, tham gia tố tụng cần được làm rõ hơn trong dự thảo luật để có thể đưa vào đời sống.
Thực tế qua hoạt động của Trung tâm Tư vấn pháp luật, ông Triều gặp nhiều vụ việc bị vướng quy định này, nhất là các vụ việc bảo vệ quyền lợi người lao động khi bị doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
"Tòa án yêu cầu tổ chức đại diện phải có hợp đồng ủy quyền mà doanh nghiệp cả ngàn người lao động làm sao ủy quyền? Trong cả ngàn lao động đó có vài người không muốn khởi kiện thì làm sao?", ông Triều nói.
Ông Triều đề nghị sửa đổi theo hướng tổ chức công đoàn được phép đại diện người lao động để khởi kiện theo yêu cầu của người lao động, tức là chỉ cần có đơn yêu cầu mà không cần hợp đồng, giấy ủy quyền có công chứng…
Ngoài ra, ông Trần Văn Triều cũng góp ý sửa đổi quy định công đoàn cấp trên có quyền can thiệp để bảo vệ quyền lợi cán bộ công đoàn cơ sở khi cán bộ công đoàn bị người sử dụng lao động sa thải trái pháp luật.
Theo ông, nên bỏ từ "trái pháp luật" vì muốn đạt điều kiện này thì chỉ khi tòa án tuyên bố việc sa thải đó là trái pháp luật thì công đoàn cấp trên mới được quyền can thiệp. Như vậy, đến khi công đoàn cấp trên can thiệp thì đã quá trễ.
Có dấu hiệu lợi dụng kinh tế can thiệp vào công đoàn cơ sở
Bà Trương Thị Minh Dung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 1, đề nghị xây dựng các quy định tăng thêm thuận lợi khi bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở. Theo bà, hiện nhiều doanh nghiệp chưa hỗ trợ cán bộ công đoàn hoạt động, thậm chí là có hành vi chèn ép, sa thải cán bộ công đoàn.
Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động TPHCM, thống nhất việc bổ sung quyền giám sát của công đoàn như dự thảo.
Theo ông, quy định này giúp tăng tính chủ động của tổ chức công đoàn, nhất là các cuộc giám sát đột xuất khi doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động.
Bởi việc thanh tra, kiểm tra theo quy trình hiện nay kéo dài dẫn đến tổ chức công đoàn không kịp can thiệp, hành vi vi phạm của doanh nghiệp đã hoàn tất, người lao động bị ngừng việc không đúng quy định, dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 10, góp ý bổ sung thêm nghiệp đoàn cơ sở trong Điều 8 dự thảo quy định về hệ thống tổ chức công đoàn.
Theo ông Thanh, hiện nhóm lao động phi chính thức chiếm tỷ lệ khá cao với nhiều ngành nghề tập trung trong các nghiệp đoàn. Do đó, luật Công đoàn nên có hướng cho nhóm lao động này tham gia công đoàn để được chăm lo, bảo vệ.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, có ý kiến về quy định xây dựng đội ngũ lãnh đạo công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp.
Bà Diệu Thúy cho biết, trong đợt đại hội công đoàn các cấp diễn ra vào năm 2023, tại một số công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TPHCM đã có dấu hiệu tác động của các nhóm ngành, sử dụng đơn hàng, lợi thế kinh tế để can thiệp vào việc đề nghị đưa người vào ban chấp hành công đoàn.
Theo bà Diệu Thúy, đó là dấu hiệu về việc sử dụng nguồn lực kinh tế để tác động đến việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo công đoàn cơ sở. Do đó, bà đề nghị ban soạn thảo luật nghiên cứu quy định rõ ràng, chi tiết hơn về việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp.
Kết thúc, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Hà Phước Thắng ghi nhận ý kiến của các đại biểu để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 sắp tới.
Ông đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu để góp ý sau kỳ họp thứ 7 nhằm hoàn thiện dự thảo, để khi luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua sẽ giúp hoạt động công đoàn thuận lợi hơn.
Dự án Luật Công đoàn dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Khóa XV (tháng 5, 6/2024), trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khóa XV (tháng 10, 11/2024).