Cán bộ ngành y "chẳng cần tinh giản biên chế cũng đã muốn nghỉ việc"
Với một ngành đặc thù như y tế, nhiều y, bác sĩ ở các bệnh viện đầu ngành cũng "tự tinh giản biên chế" chứ không ngồi chờ được mời ra khỏi hệ thống...
Y, bác sĩ "tự tinh giản biên chế"
Chị Nguyễn Thị N. (32 tuổi) điều dưỡng tại Bệnh viện tuyến trung ương tại Hà Nội cho biết, công việc hàng ngày khá vất vả. Một tuần, chị phải trực đêm 2-3 ngày, chưa kể trực ngày lễ, Tết.
"Thời điểm xảy ra dịch Covid-19, tất cả cán bộ công nhân viên của bệnh viện phải tăng ca, làm hơn 100% sức lực. Nhiều khi chúng tôi ốm mà cũng không thể nghỉ vì không có người làm thay", chị N nói.
Cũng theo chị N, chẳng chờ tinh giản biên chế thì nhiều công chức, viên chức trong bệnh viện như chị cũng đang có ý định bỏ việc ra làm ngoài. Thực tế, trong năm 2022 nguyên khoa của chị N đã có 10 người nghỉ việc bao gồm cả bác sĩ và y tá, điều dưỡng. Một số người ra bệnh viện tư, phòng khám tư làm, còn số khác thì về "chồng nuôi" hoặc rẽ sang làm những công việc khác như bán hàng; kinh doanh...
"Lương của một điều dưỡng như tôi khá thấp, dù đi làm đã được 8 năm nhưng tổng thu nhập chỉ được hơn 10 triệu đồng/tháng, trong khi đó trách nhiệm cao, lại thường xuyên phải trực đêm hôm, chưa kể nguy cơ nhiễm bệnh...", chị N nói.
Không riêng gì đội ngũ điều dưỡng, đội ngũ bác sĩ ở các bệnh viện đầu ngành cũng "tự tinh giản biên chế" chứ không ngồi chờ được mời ra khỏi hệ thống.
Tình trạng "chảy máu chất xám" khiến cho tại nhiều địa phương, đội ngũ y, bác sĩ bị thiếu trầm trọng nhất là những địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.
Giai đoạn 2016-2021, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021); trong đó, ở các bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người. Trong hơn 2 năm (từ năm 2020 đến giữa năm 2022) đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, đa phần rơi vào ngành y tế, giáo dục. Cụ thể, ngành giáo dục có 16.247 người, còn y tế có 12.198 người.
Trong một tọa đàm mới đây, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận, sau 3 năm thực hiện tự chủ toàn diện và thực hiện chủ trương dừng các đề án liên doanh, liên kết, các bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến nguồn thu bị giới hạn, không có nguồn để đãi ngộ cho cán bộ nhân viên của bệnh viện. Thu nhập của người lao động, y bác sĩ giảm rất nhiều khiến không ít người đã rời sang các bệnh viện tư.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, cứ có bệnh viện tư nhân nào mới thành lập, hoặc cả bệnh viện công lập có những khoa mới thành lập, là y bác sĩ lại rục rịch xin sang đơn vị đó. Bản thân ông và bệnh viện đang rất lo lắng. Tới đây, ngày 1/7, áp dụng tăng lương, không biết nguồn chi thường xuyên của bệnh viện có đủ chi lương cho cán bộ nhân viên.
Chia sẻ về câu chuyện tinh giản biên chế trong ngành y tế, ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng "đây là câu chuyện khó" vì bản chất ngành y là ngành đặc thù. Lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức chưa cao. Tình trạng "chảy máu chất xám", thiếu nhân lực trong ngành đang xảy ra nhiều. Vì vậy, thay vì nói đến câu chuyện tinh giản biên chế thì câu chuyện nên được quan tâm nhất lúc này chính là "giữ chân người tài".
Ông Lợi từng nêu quan điểm: "Y tế là ngành đặc thù, đào tạo thì dài, thường phải 7 năm, sau đó phải 2 năm làm thực tế mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Đào tạo dài mà bảng lương lại áp dụng cùng với người đào tạo thời gian ngắn thì có hợp lý hay không?".
Theo ông Lợi, trước mắt cần điều chỉnh phụ cấp, tiền lương cho ngành y tế càng sớm càng tốt. Về lâu dài, phải cải cách chính sách tiền lương của ngành y tế, đồng thời cải cách chính sách tiền lương của cả nước. Nếu tinh giản biên chế trong ngành y cần thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, làm dập khuôn.
"Tiền lương phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động, giá trị của sức lao động phải được thể hiện bằng giá cả trên thị trường. Việc các bác sĩ, chuyên gia giỏi của các bệnh viện lớn Trung ương chuyển sang khu vực tư nhân và các cơ sở khác là do giá cả không hợp lý và không thể hiện được giá cả thị trường. Do vậy, để thu hút nhân tài thì cần tính toán đưa tiền lương về đúng giá trị thực" - ông phân tích.
Thiếu nhân lực cần bổ sung biên chế
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 71 về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022 -2026. Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của toàn hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 là hơn 2,234 triệu (số biên chế trên không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) trong đó bổ sung biên chế cho ngành giáo dục thêm 65.980 giáo viên tại các địa phương.
Trong tổng biên chế ở trên, có 336.328 biên chế cán bộ, công chức; 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Ngoài ra còn có 686 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; 205.571 cán bộ, công chức cấp xã; 1.358 biên chế công đoàn tạm giao các địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng quyết định số biên chế dự phòng cho giai đoạn này là 10.100 biên chế gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức.
Như vậy, có thể thấy Bộ Chính trị cũng rất linh hoạt, chủ động, bố trí cả biên chế dự phòng cho giai đoạn. Giả sử trong trường hợp đặc biệt, một số ngành đặc thù có thể thiếu nhân lực thì sẽ được bổ sung biên chế, thay vì áp tinh giản biên chế một cách cơ học 10% như yêu cầu.