Cán bộ không được quát nạt, chửi thề khi giao tiếp với người dân

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải lịch sự khi tiếp xúc với người dân. Cán bộ không được chửi thề, nói tiếng lóng, quát nạt… làm người dân căng thẳng, bức xúc.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ. Bộ Quy tắc này quy định những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là cán bộ) làm việc trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ gồm 5 chương và 25 điều, trọng tâm quy định về những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức (gồm 7 điều); những chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức (gồm 9 điều) và kỷ luật kỷ cương (gồm 4 điều).

Về chuẩn mực đạo đức, tính chính trực, liêm chính của cán bộ được đưa lên hàng đầu. Bộ quy tắc nêu rõ những yêu cầu buộc cán bộ phải tuân thủ là thiết lập sự tin tưởng, độ tin cậy cho tổ chức, công dân trong quá trình làm việc; khi thực hiện nhiệm vụ phải trung thực, trách nhiệm, thẳng thắn, không bao che các hành vi vi phạm pháp luật…

Ngoài ra, Bộ Quy tắc cũng nêu rõ việc cán bộ không được lợi dụng vị trí công tác, chức vụ để mưu cầu lợi ích cá nhân; không để các thành viên gia đình, cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đòi hỏi hoặc nhận tiền, tài sản, những lợi ích khác liên quan đến công việc, nhiệm vụ do cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết…

Cán bộ không được quát nạt, chửi thề khi giao tiếp với người dân - 1

Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức phải lịch sự khi tiếp xúc với người dân (Ảnh minh họa: CTV).

Bộ Quy tắc chú ý nhiều đến quy định ứng xử của cán bộ với người dân trong quá trình làm việc.

Trong Điều 6 của Bộ Quy tắc, sự đúng mực, tính thận trọng được xem như là chuẩn mực đạo đức của cán bộ.

Theo đó, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ phải hành xử nghiêm túc, đúng mực, lịch thiệp, không được có lời nói, cử chỉ, hành động, trang phục phản cảm.

Bộ Quy tắc dành cả chương III với 9 điều để quy định những chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 9 quy định chi tiết về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử với tổ chức và công dân. Theo đó, khi tiếp xúc với người dân, cán bộ phải có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực; ngôn ngữ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, văn minh, không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân.

Trong quá trình làm việc, cán bộ phải tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về quy trình, thủ tục và những thắc mắc, vướng mắc của công dân và tổ chức liên quan; khiêm tốn, tiếp thu các ý kiến góp ý của công dân và tổ chức; ưu tiên giải quyết công việc đối với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai.

Điều 20 của Bộ Quy tắc quy định rõ các yêu cầu đối với cán bộ khi sử dụng thời giờ làm việc. Theo đó, cán bộ không được chơi các trò chơi, sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc, không tụ tập ăn, uống đông người trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng tại nơi làm việc.

Sự tận tụy và kịp thời trong công việc cũng được đề cao. Bộ Quy tắc yêu cầu cán bộ phải tận tụy với công việc, cống hiến hết mình trong thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết nhanh nhất công việc được giao; không được tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

Đồng thời, cán bộ không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao hoặc tự ý kéo dài thời gian giải quyết công việc mà không có lý do chính đáng.

Năng lực và sự chuyên cần cũng là một phẩm chất đạo đức mà cán bộ phải có. Quy tắc chuẩn mực đạo đức yêu cầu cán bộ phải chuyên tâm, cần cù, chịu khó, tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Người dân quan tâm đến dự thảo Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ có thể tìm hiểu chi tiết TẠI ĐÂY.