Quảng Nam:

Cán bộ giúp đồng bào vùng cao thoát nghèo bền vững

Công Bính Thanh Vận

(Dân trí) - "Ba công chức, viên chức giúp một hộ đăng ký thoát nghèo bền vững" là chương trình được các cơ quan, đoàn thể của huyện miền núi Nam Trà My phát động, đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Cũng như nhiều năm trước, năm 2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Nam Trà My được UBND huyện giao giúp 2 hộ Hồ Văn Ba, Hồ Thị Níc tại nóc Lăng Lương, xã Trà Tập thoát nghèo.

Để hỗ trợ bà con, BHXH huyện đã cử viên chức đến từng nhà, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của chủ hộ, tìm hiểu điều kiện thực tại, nhất là điều kiện sinh sống, thói quen lao động, sinh hoạt của từng gia đình để động viên, tư vấn cách thức sản xuất, sinh hoạt hàng ngày nhằm hướng đến mục tiêu đề ra và nguyện vọng mà bà con đã đăng ký với chính quyền.

Cán bộ giúp đồng bào vùng cao thoát nghèo bền vững - 1

Cán bộ BHXH Nam Trà My cùng ăn, ở với bà con để tìm cách hỗ trợ bà con thoát nghèo.

Qua tìm hiểu, cả 3 hộ này đều có nhà cửa đảm bảo, sản xuất hàng ngày là trồng cây quế, cau, cây lương thực trên đất rẫy cách nhà vài giờ đi bộ. Quanh nhà có nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo cơ bản nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Đặc biệt, các hộ này cùng với đa số các hộ có lao động trẻ trong nóc đã trồng cây sâm Ngọc Linh ở núi thuộc nóc Răng Chuỗi, mỗi hộ có trung bình từ 5-20 cây sâm. Bà con cho biết, cây sâm sống và sinh trưởng tốt.

Từ đó, BHXH huyện Nam Trà My đã bàn và thống nhất sẽ hỗ trợ cây sâm giống đến bà con trồng, nếu hộ nào chăm sóc tốt, sẽ được hỗ trợ thêm, mỗi năm một ít. Đồng thời, học hỏi cách chăm sóc từ các hộ ở Trà Linh, mua giống về và hướng dẫn lại cho bà con thực hiện.

Cán bộ giúp đồng bào vùng cao thoát nghèo bền vững - 2

Một số hộ đồng bào ở huyện Nam Trà My được hỗ trợ giống sâm để thoát nghèo (Ảnh: BHXH Nam Trà My cung cấp).

Cuối tháng 6 vừa qua, cơ quan BHXH huyện Nam Trà My đã trao tổng cộng 15 cây sâm Ngọc Linh, với giá trị gần 5 triệu đồng đến 3 hộ là Hồ Văn Ba, Hồ Thị Níc và Hồ Thị Thiếu.

"Mình rất vui, số cây sâm lần này đã bằng 1/3 số cây mình đang trồng. Hiện nay mình đã trồng được 15 cây, đang lên tốt", ông Hồ Văn Ba rất phấn khởi nói.

Cũng theo ông Hồ Văn Ba, tiền mua cây sâm đắt quá, gia đình khó khăn, nay được cho với số lượng nhiều nên ông mừng lắm và hứa sẽ chăm sóc tốt. Ông vui hơn nữa khi được cán bộ nói nếu trồng tốt sẽ hỗ trợ nữa nên ông và bà con sẽ cố gắng chăm sóc tốt cây sâm.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Ngọc Thạo - Giám đốc BHXH huyện Nam Trà My - cho biết: "Mỗi tháng, mỗi cán bộ, viên chức của đơn vị đóng góp 50 nghìn đồng. Từ nguồn kinh phí này, đơn vị hỗ trợ bà con đồng bào thoát nghèo bền vững với cây sâm".

Theo Giám đốc BHXH huyện, việc hỗ trợ trồng sâm là hướng đi đúng, giúp bà con thay đổi dần nếp nghĩ về sản xuất nông nghiệp là phải có thời gian lâu dài, chứ không phải ngày một, ngày hai là có thu hoạch.

Việc hỗ trợ không phải gói gọn trong một năm là đánh giá, mà phải có thời gian đủ, mỗi năm hỗ trợ một ít để bà con yên tâm sản xuất và cũng là điều kiện phù hợp với nguồn kinh phí mà viên chức, lao động BHXH huyện tích cóp hàng tháng.

Theo BHXH Nam Trà My, từ khi có chủ trương năm 2015-2016 đến nay, đơn vị đã giúp đỡ 11 hộ đồng bào thoát nghèo bền vững với kinh phí hơn 30 triệu đồng. Từ nay đến năm 2025, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ khoảng 10 hộ đồng bào ở vùng núi này thoát nghèo với kinh phí khoảng 60 triệu đồng.

Hy vọng với giải pháp và cách làm này, những hộ được hỗ trợ sẽ có suy nghĩ thay đổi cách sản xuất, sinh hoạt, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo thật sự bền vững.