Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng: Hướng dẫn viên du lịch thấy không bị bỏ rơi
(Dân trí) - Phải xoay xở để mưu sinh là tình trạng chung của hầu hết hướng dẫn viên du lịch khi dịch Covid-19 bùng phát. Biết thuộc đối tượng được Chính phủ hỗ trợ, họ đều rất vui mừng, cảm thấy không bị bỏ rơi.
Được động viên tinh thần
Đã 2 năm nay, dịch Covid-19 diễn ra khiến nhiều hướng dẫn viên du lịch từ hoạt động "cầm cự" cho đến gần như mất nghề. Để mưu sinh, họ phải chật vật xoay xở đủ việc khác như shipper, môi giới bất động sản hay lái taxi, bán hàng online…
Được biết, trên địa bàn Thanh Hóa hiện có hơn 100 hướng dẫn viên được cấp thẻ. Ngay sau khi biết thông tin Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có đối tượng là hướng dẫn viên du lịch, nhiều người vô cùng vui mừng, phấn khởi và mong muốn sớm nhận được số tiền trợ cấp.
Anh Lê Sỹ Tâm - Phó Chủ nhiệm một câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn Thanh Hóa - chia sẻ: "Tôi và nhiều hướng dẫn viên đều rất vui khi nằm trong đối tượng được hưởng trợ cấp do dịch Covid-19. Sau 4 đợt dịch, mọi hy vọng với nghề đã không còn, ai nấy đều bị tổn thương.
Đặc biệt, đại đa số đều là hướng dẫn viên tự do đồng nghĩa với việc không có lương chính, chỉ có lương theo tour nên không đi làm là không có tiền để trang trải cuộc sống. Vì thế, được Chính phủ quan tâm hỗ trợ dù là ít, chúng tôi vẫn cảm thấy được động viên, bớt tủi thân và thấy không bị bỏ rơi khi khó khăn xảy ra".
Còn đối với Lê Đình Tùng, một hướng dẫn viên tại Thanh Hóa, cũng đã phải xoay xở sang công việc môi giới bất động sản từ khi dịch bùng phát, công ty dừng hoạt động. Về tinh thần, Lê Đình Tùng cũng như nhiều người thấy rất vui khi hướng dẫn viên được nằm trong đối tượng hỗ trợ lần này.
"Khó khăn của các công ty lữ hành dịch vụ và các bạn hướng dẫn viên du lịch từ khi dịch bắt đầu diễn ra. Ai cũng chung tâm trạng kỳ vọng vào gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ của Chính phủ lần này để phần nào được an ủi", anh Lê Đình Tùng nói.
Mong được hướng dẫn cụ thể, thủ tục nhanh gọn
Dù vui mừng trước thông tin được nhận trợ cấp, thế nhưng anh Lê Sỹ Tâm hay Lê Đình Tùng cũng như rất nhiều hướng dẫn viên du lịch khác băn khoăn việc làm thủ tục, chưa được hướng dẫn cụ thể.
"Chúng tôi rất mong sớm nhận trợ cấp để chi phí thêm cho cuộc sống vốn đang gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, thủ tục cần những gì, cơ quan nào đứng ra nhận hồ sơ, nhận trợ cấp từ đơn vị nào. Có một số bạn thẻ vừa hết hạn nhưng do dịch nên chưa có lớp để cấp chứng chỉ làm lại thẻ thì có được hưởng trợ cấp hay ko", Lê Sỹ Tâm băn khoăn.
"Anh chị em làm hướng dẫn viên rất mong được tạo điều kiện để thủ tục được nhanh gọn", anh Lê Đình Tùng mong muốn.
Cùng chung suy nghĩ với Lê Sỹ Tâm, anh Vũ Văn Bình, một hướng dẫn viên khác trên địa bàn Thanh Hóa, tâm sự: "Nhiều anh em hướng dẫn viên đều đang băn khoăn về thủ tục làm hồ sơ như thế nào nên rất mong Sở, ngành liên quan có những hướng dẫn cụ thể".
Chị Lê Thị Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Quốc tế An Bình Phát (đóng trên địa bàn thành phố Thanh Hóa) - chia sẻ: "Công ty có 4 hướng dẫn viên nhưng dịch diễn ra thì làm bập bùng cho đến giữa tháng 6 vừa rồi. Công ty đã dừng hoạt động, các bạn hướng dẫn viên cũng xoay sang nghề khác để kiếm sống, chờ khi nào hết dịch, mọi thứ hoạt động trở lại thì mới quay lại làm việc".
Cũng theo chị Lê Thị Chiến, công ty khó khăn nên cũng chỉ hỗ trợ một số bạn mỗi tháng 500.000 đồng - 1 triệu đồng nhằm mang tính động viên, còn việc đóng bảo hiểm xã hội cũng như lương phải ngừng hẳn.
"Nhiều nhân viên trong công ty rất phấn khởi khi biết Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết hỗ trợ. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn các cơ quan như bảo hiểm, thuế ở địa phương tạo điều kiện, không gây khó khăn khi đến xác nhận để doanh nghiệp, người lao động hoàn thành thủ tục, hưởng quyền lợi chính đáng", chị Lê Thị Chiến chia sẻ.