Cần bảo vệ "đặc biệt" 4.200 người đóng bảo hiểm nhưng không có lương hưu
(Dân trí) - BHXH cho rằng, chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, làm việc như những lao động thuê mướn. Do vậy, cần có cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng trên nguyên tắc đóng hưởng.
Chiều 5/6, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức phiên họp cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quý II/2023.
Lý giải về việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể ở nhiều địa phương, ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng Ban Chính sách thực hiện bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, chủ hộ kinh doanh vẫn là người lao động.
Thời điểm đó, không có quy định nào của pháp luật bảo hiểm xã hội cho rằng họ không được đóng bảo hiểm. Hơn nữa, chủ hộ kinh doanh cá thể cũng có mong muốn chính đáng được tham gia vào lưới an sinh xã hội.
"Nếu nhìn nhận lại hơn 20 năm trước đây, cũng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về trường hợp chủ hộ kinh doanh cá thể", ông Thọ nói.
Chủ hộ kinh doanh cũng là người lao động, làm việc như những lao động thuê mướn. Theo ông Thọ, họ đã đóng bảo hiểm xã hội, cho nên cần thiết bảo vệ quyền lợi chính đáng trên nguyên tắc đóng hưởng.
Ông Thọ lấy ví dụ về trường hợp Chính phủ đã ban hành Nghị quyết ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho hơn 10.000 Xã đội phó, Phó trưởng công an xã, người lao động theo chế độ hợp đồng của xã.
Quay trở lại trường hợp hơn 4.200 chủ hộ kinh doanh cá thể đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất giải quyết quyền lợi của nhóm đối tượng này bằng cách ghi nhận quá trình đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: "Đã phê bình nghiêm khắc các Giám đốc Bảo hiểm xã hội địa phương thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với nhóm lao động này. Cực chẳng đã phải phê bình các giám đốc của mình".
Theo Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn vị đã hướng dẫn địa phương làm những gì pháp luật cho phép. Tuy nhiên, dù không có quy định, nhưng bảo hiểm xã hội các địa phương vẫn làm.
Ngoài đề xuất ghi nhận quá trình đóng của chủ hộ kinh doanh, ông Mạnh cho rằng cũng thống nhất đề xuất đưa nhóm lao động này thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng từ tháng 1/2003 đến tháng 12/2021, cơ quan BHXH tại nhiều địa phương đã thu BHXH bắt buộc đối với những trường hợp này.
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tại thời điểm tháng 9/2016 đã có 4.240 chủ hộ kinh doanh cá thể tại 54 địa phương đóng BHXH bắt buộc.
Do việc thực hiện BHXH bắt buộc không đúng quy định của pháp luật nên các chủ hộ kinh doanh cá thể chưa được tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để hưởng chế độ BHXH. Đặc biệt, có nhiều trường hợp đã đóng BHXH được gần 20 năm. Điều này đã khiến người dân bức xúc, một số trường hợp đã làm đơn khiếu nại, thậm chí khởi kiện BHXH ra tòa.