Cách tính thời gian đặc biệt của dân tộc ít người nhất Việt Nam
(Dân trí) - Chúng tôi ghé thăm bản Văng Môn, xã Nga My (Tương Dương, Nghệ An) - nơi duy nhất của cả nước có đồng bào Ơ Đu sinh sống. Từ khi chuyển về đây sinh sống, bà con dân tộc Ơ Đu đã có nhiều đổi thay...
Thời gian trong năm bắt đầu từ ngày có tiếng sấm đầu tiên
Người Ơ Ðu trước đây sinh sống dọc đôi bờ sông Nậm Nơn và Nậm Mộ, rải rác ở các bản Kim Hòa, Kim Tiến (xã Kim Đa cũ), bản Tả Xiêng (xã Kim Tiến cũ), bản Xiêng Hương (xã Xá Lượng), huyện Tương Dương.
Năm 2006, thực hiện chủ trương di dời dân phục vụ dự án thủy điện Bản Vẽ, người Ơ Ðu có cuộc di cư lịch sử. Họ nhường quê cũ cho dự án xây dựng nhà máy thủy điện để về sinh sống tập trung ở bản Văng Môn, xã Nga My ngày nay.
Ông Lo Văn Tình, Bí thư Chi bộ bản Văng Môn, chia sẻ: "Người Ơ Đu tính thời gian trong năm bắt đầu từ ngày có tiếng sấm đầu tiên. Đó cũng là lễ hội lớn nhất, được bà con tổ chức rất long trọng. Lễ hội thường kéo dài cho đến khi xong mọi công việc quan trọng trong bản mới kết thúc (khoảng từ 5-7 ngày)".
Trước đây, lễ đón tiếng sấm đầu năm chủ yếu do hộ gia đình tự tổ chức. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, bản đứng ra tổ chức để bảo tồn bản sắc văn hóa của người Ơ Đu.
Cũng theo ông Tình, trong các phần lễ cúng bằng tiếng Ơ Đu do thầy mo (người uy tín của bản) đảm nhận. Trong bài cúng đầu năm mới, người Ơ Đu thường cầu tổ tiên, trời đất, thần núi, thần rừng ban mưa thuận, gió hòa cho rẫy lúa, nương ngô được mùa, người người mạnh khỏe, con cháu đầy đàn.
Mâm cúng năm mới của người Ơ Đu thường có những sản vật của núi rừng như: Thịt chuột, cơm lam hoặc xôi với 3 màu đen, tím, trắng; rượu nếp cẩm, cá nướng… để dâng lên những đấng linh thiêng đã nuôi sống tổ tiên người Ơ Đu qua bao thế hệ.
Trước đây, để có được những sản vật, đàn ông, đàn bà Ơ Đu phải tự mình vào rừng săn, bắt, chặt, hái để dâng lên tổ tiên. Hiện nay, mâm cúng đã có nhiều đổi thay hơn, để phù hợp với cuộc sống mới.
Trong lễ hội có phần phong sắc, phong tước cho các chức sắc ở bản như: Trưởng họ, già làng; các chức sắc trong giới thầy mo; đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành (có con cháu đầy đàn). Những đứa trẻ sinh trong năm, đến ngày lễ hội đón tiếng sấm, được các thầy mo đến nhà làm lễ nhập họ và chính thức đặt tên.
Khoảng năm 1950 của thế kỷ trước, đồng bào Ơ Đu khắp nơi thường tụ họp về bản Xốp Pột (xã Kim Đa cũ) để vui hội đón tiếng sấm. Họ giết trâu, mổ bò, lợn, uống rượu cần, ca hát, nhảy múa, chơi các trò đánh khăng, chọi gụ, chọi gà, đi kà kheo... rất tưng bừng. Ngoài ra, người Ơ Đu còn có lễ tổ chức rước hồn lúa và ăn cơm mới. Hiện nay, còn có cả ăn Tết Nguyên đán của dân tộc.
Các tài liệu cho thấy, người Ơ Đu không có nhạc cụ riêng biệt, nhưng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của người Khơ Mú, Thái như: Sáo, khèn, chiêng, trống; thuộc các làn điệu dân ca Khơ Mú, Thái như: Xuối, nhuôn, lăm, tơm. Người Ơ Đu đan lát đồ gia dụng bằng cây giang, cây nứa trên rừng, hay cây mây, một phần tiêu dùng, phần làm hàng hóa để trao đổi.
Sau bao cuộc di chuyển chỗ ở, nhưng tư liệu sản xuất, cũng như đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày, trang phục cổ truyền của người Ơ Đu ở Tương Dương còn lưu giữ. Bằng chứng rõ nhất ở Văng Môn là hình ảnh những người phụ nữ duy trì dệt vải, thêu váy…
Cụ Vi Thị Dung, 75 tuổi, kể: "Lớn lên, tôi đã được mẹ dạy dệt vải, thêu thùa. Giờ già rồi, tôi vẫn giữ thói quen này và thường dặn dò con cháu phải học để giữ lại những tinh hoa của dân tộc mình".
Bà Lương Thị Lan, Trưởng bản Văn Môn, cho biết: "Hiện ở bản Văng Môn ngoài bà Vi Thị Dung còn có một số người làm được váy của người Ơ Đu như: Chị Lo Thị Nga, chị Lương Thị Hồng…".
Người Ơ Đu đã từng có ngôn ngữ riêng. Ngôn ngữ người Ơ Đu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Tuy nhiên, theo ông Lo Thanh Bình, 75 tuổi, hiện chỉ có một số người biết viết và nói thành thạo ngôn ngữ Ơ Đu. Một phần do tiếng Ơ Đu khó học, khó nói và viết, một phần do những thăng trầm cuộc sống nên thất lạc hết.
Nhiều đổi thay
Bản Văng Môn hiện có 107 hộ, 455 khẩu người Ơ Đu. Những năm qua, được sự ưu ái từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân bản Văng Môn đã từng bước yên tâm lao động, sản xuất và chung tay xây dựng bản, làng ngày một đổi thay.
Ở bản Văng Môn bây giờ ngoài những ngôi nhà mẫu theo dự án tái định cư và một số ít nhà sàn theo lối truyền thống của dân tộc, nhiều gia đình đã làm nhà cột, nhà xây như người Kinh. Bếp, nhà vệ sinh được xây, lát sạch sẽ khang trang.
Từ khi chuyển về tái định cư ở bản Văng Môn (xã Nga My), bà con chú trọng việc học hành của con trẻ hơn. Hiện, bản Văng Môn có 115 em trong độ tuổi đi học; tỉ lệ đến trường của trẻ em người Ơ Đu đạt 100%.
Lãnh đạo xã Nga My cho biết, bản Văng Môn hiện có 22 người Ơ Đu tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp. Có 13 người đã được bố trí công việc ổn định như bác sĩ, công an, cán bộ xã…
Được học hành đầy đủ nên nhận thức của người dân Ơ Đu càng được nâng cao. Những người trẻ của tộc người Ơ Đu được học hành, đã rời bản làng đi làm việc ở trong Nam, ngoài Bắc.
Trong số những người Ơ Đu làm cán bộ có bác sĩ Lo Văn Toàn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nga My; Lô Thị Đan, Trạm phó Trạm Y tế xã; Lô Văn Hằng, Phó trưởng Công an xã Nhôn Mai; ngoài ra còn có 2 người làm việc tại Trung tâm Y tế huyện, 2 người là công an huyện, nhiều em đang theo học các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh...
Chiều muộn, chúng tôi rời bản Văng Môn, nhìn những ngôi nhà sàn bình yên dưới những tán rừng cổ thụ điện sáng trưng, nghe tiếng đài hát, tiếng tivi và tiếng đọc bài của con trẻ, lòng thấy bình yên đến lạ. Hi vọng rồi đây, dân tộc ít người nhất Việt Nam sẽ còn có những đổi thay mạnh mẽ hơn nhiều nữa.