Nét văn hóa độc, lạ ngày Tết của người Ơ Đu
(Dân trí) - Những ngày này, không khí Tết vẫn ngập tràn trên những bản làng của người Ơ Đu, huyện Tương Dương, Nghệ An - nơi có đông đồng bào Ơ Đu sinh sống nhất trên dải đất hình chữ S.
Được sự chỉ dẫn của bà con dân bản, chúng tôi tìm đến nhà già làng Lo Thanh Bình, xã Nga My, huyện Tương Dương để tìm hiểu rõ hơn về nét độc đáo riêng biệt của mâm cúng người Ơ Đu trong ngày Tết.
Già Bình năm nay hơn 74 tuổi, sức khỏe vẫn như cây rừng là gương sáng cho thế hệ con cháu học tập.
"Tôi cũng có tuổi rồi, thấy xã hội phát triển, con cháu đi đây, đi đó, học được nhiều lời hay, ý phải, nhưng thật lòng bản thân tôi không muốn con cháu mình quên đi những nét đẹp của dân tộc mình, nhất là lễ cúng tổ tiên ngày lễ Tết.
Dân tộc Ơ Đu không giống các dân tộc khác có rằm, có tục cúng tổ tiên ngày đầu tháng, giữa tháng, chỉ duy nhất cúng tổ tiên ngày Tết Nguyên đán. Vì thế, năm nào tôi cũng cố gắng tìm đủ các loại mà trước đây cha ông đã cúng tổ tiên như: Chuột rừng, cơm lam, rượu siêu, rượu nếp cẩm, xôi hoặc cơm bày trên mâm cúng cũng phải đủ 3 màu, đen, tím, trắng", già Bình phấn khởi cho biết.
Với người Ơ Đu, trước đây họ chỉ tính năm mới căn cứ vào tiếng sấm đầu tiên. Chính vì vậy mà mâm cúng của họ không có bánh chưng như một số dân tộc khác, nhưng phải đầy đủ sản vật của núi rừng để dâng lên những đấng linh thiêng đã nuôi sống tổ tiên người Ơ Đu qua bao thế hệ.
Trước đây, để có được những sản vật, người đàn ông, đàn bà phải tự mình vào rừng săn bắt, chặt hái để dâng lên tổ tiên bằng tấm lòng chân thành nhất, nếu không tổ tiên sẽ nổi giận, năm mới mùa màng thất thu. Ngày nay, cuộc sống đã đổi mới, đồng thời do người Ơ Đu sống xen ghép với nhiều dân tộc anh em khác, nên giá trị truyền thống riêng trên mâm cúng đã có nhiều đổi thay hơn, để phù hợp với thời đại mới.
Chị Lương Thị Lan - Trưởng bản Văng Môn, xã Nga My cho biết: "Dân tộc Ơ Đu cũng có khác dân tộc khác, như đũa được vót từ nứa, sau đó vấn tròn dây lạt tạo thành đường xoắn, với thành ý năm mới cầu cho con cháu mạnh khỏe, đoàn kết và phát tài, phát lộc".
Hiện nay, người Ơ Đu ở Nghệ An sinh sống duy nhất ở bản tái định cư Văng Môn, xã Nga My, với 111 hộ, 451 khẩu. Ơ Đu là một trong 6 dân tộc ít người nhất của Việt Nam. Họ rất ít có ngày lễ trong năm, vì thế với đồng bào Ơ Đu ngày Tết được họ mong đợi nhất.
Ông Vi Thị Mùi - Phó chủ tịch UBND xã Nga My chia sẻ: "Được sự hỗ trợ, ưu ái rất nhiều từ các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà Nước, bà con Ơ Đu cũng từng bước yên tâm lao động, sinh sống và cùng chung tay xây dựng bản làng ngày một đổi thay hơn. Nhân dân Ơ Đu đã biết cách trồng cỏ, chăn nuôi, họ biết giữ văn hóa, tổ chức Tết vui tươi hơn".
Trong bài cúng đầu năm mới, họ cầu tổ tiên, trời đất, thần núi, thần rừng ban mưa thuận, gió hòa cho rẫy lúa, nương ngô được mùa, con cháu đầy đàn và luôn biết đến công ơn sinh thành của tổ tiên.
Người Ơ Đu rất mến khách, họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, trong khi cúng gia tiên, thầy mo cũng cầu xin cho khách đến nhà một năm mới thật nhiều niềm vui.
Ngoài ra, gia chủ còn tiếp đón khách rất chu đáo. Khách được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi ra về, người Ơ Đu còn mừng tuổi cho khách những ống cơm lam, chai rượu nếp cẩm do chính tay họ làm ra.