Các địa phương tiếp tục rà soát, chi hỗ trợ lao động gặp khó do Covid-19
(Dân trí) - Nhiều địa phương đang khẩn trương rà soát đối tượng, đề xuất kinh phí hỗ trợ. Đối với nhóm lao động tự do, người bán lẻ vé số được ưu tiên chi trả trước, lấy từ nguồn của tỉnh và công ty xổ số.
Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH tới 17h ngày 18/7, trên cơ sở kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, nhiều địa phương đang tiến hành rà soát đối tượng và đề xuất kinh phí hỗ trợ các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Riêng với nhóm người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng lao, các địa phương ưu tiên thực hiện chi trả hỗ trợ theo nguồn kinh phí riêng, không lấy từ gói 26.000 tỷ đồng.
Tại tỉnh Bình Định, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã đề xuất hỗ trợ gần 29.000 người lao động tự do với tổng kinh phí khoảng 43 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã chi trả cho gần 2.000 lao động tự do, tổng kinh phí gần 2,92 tỷ đồng trong ngày 18/7.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định xác nhận, thực hiện hỗ trợ 7 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương.
Cũng theo kết quả kiểm tra, Xí nghiệp xe buýt Quy Nhơn đã làm hồ sơ đề xuất vay vốn trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 76 người lao động. Có 11 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dự kiến vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, dự kiến khoảng 1,8 tỷ đồng.
Tại TPHCM, khoảng 99,36% tổng số người lao động tự do đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí gần 354 tỷ đồng từ gói hỗ trợ 886 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-HĐND, TPHCM có hơn 10.000 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ trên 19,33 tỷ đồng; 47 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ hơn 89 triệu đồng; 4.434 hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động được hỗ trợ gần 8,87 tỷ đồng; hơn 4.300 thương nhân tại các chợ truyền thống được hỗ trợ trên 5 tỷ đồng.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã đề nghị hỗ trợ 34 viên chức là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, dự kiến hỗ trợ trên 126 triệu đồng cùng 14 hướng dẫn viên du lịch, dự kiến hỗ trợ gần 52 triệu đồng.
Bên cạnh đó, gần 1.200 người bán vé số lẻ lưu động tại quận Thốt Nốt và quận Bình Thủy đã được tổng hợp danh sách, đề nghị UBND thành phố Cần Thơ xem xét, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ gần 1,32 tỷ đồng.
Bảo hiểm xã hội thành phố Cần Thơ xác định có 3.477 người sử dụng lao động và trên 95.000 người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, dự kiến tổng kinh phí trong 12 tháng trên 31 tỷ đồng…
Cũng theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ 33 người lao động với kinh phí trên 133 triệu đồng, tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 24 hộ kinh doanh với kinh phí 72 triệu đồng, tỉnh Cà Mau hỗ trợ 3.180 người bán vé số lẻ lưu động, tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hỗ trợ gần 4.000 người bán vé số lẻ với tổng kinh phí trên 2,79 tỷ đồng.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh đã rà soát, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ gần 8.000 người bán lẻ vé số, tổng kinh phí dự kiến 7,48 tỷ đồng, lấy từ nguồn của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Trà Vinh...