Bún "treo" tại TPHCM, treo tình thương của người hào sảng
(Dân trí) - Nhìn những người lao động lớn tuổi, thu nhập thấp, bẽn lẽn đến xin một tô bún "treo" ăn cho no bụng, bà Hồng chợt nghẹn ngào, càng thấy thương họ hơn.
Những giọt nước mắt nơi "treo" tình thương
Dừng chiếc xe chất đầy đồ ve chai, chị Hồng Đào (43 tuổi, quê tại tỉnh Long An) ngượng ngùng bước vào quán bún "treo" trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TPHCM), ngỏ lời xin một phần mang về: "Hôm nay có còn được ăn bún nữa không?".
Nghe câu nói của chị, bà Trần Thị Thúy Hồng (57 tuổi), chủ quán bún, xúc động, múc vội cho vị khách quen một bọc bún đầy ụ. Bà Hồng chia sẻ chị Đào là một trong những người lao động lớn tuổi, có hoàn cảnh khó khăn thường xuyên ghé quán để ăn bún "treo".
Từ đầu tháng 9 đến nay, mỗi ngày, quán bún của bà Hồng đều "treo" hàng chục tô. Quán sẽ treo sẵn 10 tô bún, số còn lại sẽ do những thực khách, mạnh thường quân từ xa đóng góp. Có hôm, quán được nhiều người ủng hộ nên treo đến hơn 80 tô bún. Nhiều thực khách thấy người lao động đến quá đông, sợ số lượng không đủ đáp ứng liền sẵn lòng treo một lúc 10-20 tô bún.
Tuy nhiên, những hôm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết nên quán chỉ treo được 20-30 tô/ngày.
"Quán 6h mở cửa nhưng đã có người lao động đứng chờ sẵn từ sớm. Họ ngại, sợ quán chưa mở hàng nên ngồi chờ đến 7h mới dám vào xin. Có nhiều người đến sau, không kịp nhận bún treo, tôi cũng "ăn gian", bán miễn phí cho họ luôn. Nhìn cảnh họ mong chờ được ăn nhưng đành lủi thủi đi về, tôi không kiềm lòng được", bà Hồng nói.
Nhận bọc bún từ tay bà Hồng, chị Hồng Đào mỉm cười thật tươi, rưng rưng khi kể về hoàn cảnh của mình.
Mỗi ngày, chị Đào đẩy xe đi bán ve chai từ sáng sớm đến chiều muộn mới về. Số tiền kiếm được chưa đến 150.000 đồng. Có mấy hôm nắng mưa thất thường, đầu chị đau dữ dội nên giữa trưa chị phải gắng gượng đẩy chiếc xe nặng nề về nhà.
"Tiền kiếm được chỉ đủ tiêu hằng ngày, lúc nào cũng phải gói ghém lắm. Tôi rất vui khi có những mô hình thiện nguyện như thế này. Người lao động như chúng tôi cũng tiết kiệm được, dư dả một chút để lo cho gia đình", chị Đào xúc động, nói.
Sự đồng cảm những tháng ngày khổ cực
Từ quê nhà An Giang lên TPHCM làm nghề giúp việc hơn 6 năm, bà Thái Thị Mến (56 tuổi) chia sẻ niềm vui đơn thuần chỉ là mỗi ngày đều được ăn một tô bún riêu miễn phí.
Nơi làm việc ngay sát bên cạnh tiệm bún "treo", bà Mến hôm nào cũng qua phụ bà Hồng quét dọn quán, chia sẻ các phần bún cho những người khó khăn. Khi thấy không còn ai ghé, bà Mến mới tiến đến, xin một tô bún ăn cho no bụng.
"Lúc đầu, tôi không hiểu bún treo là gì. Mãi đến khi thấy mọi người vào xin, tôi mới dám ghé để ăn. Được ăn một bữa ngon mà không phải đắn đo tiền bạc, thật sự là niềm an ủi to lớn", bà Mến bộc bạch.
Kể từ khi mở mô hình bún "treo", bà Hồng cứ đi ra chợ là được người lao động cúi chào, cảm ơn ríu rít. "Tôi nói với mọi người không cần cảm ơn tôi, vì đây là đóng góp từ rất nhiều người. Tôi cảm thấy mình nhận lại được rất nhiều, không đơn thuần là cho đi", bà Hồng chia sẻ.
Trước đây, bà từng xem mô hình phở "treo" ở Hà Nội nên ấp ủ mong muốn làm điều tương tự cho những người lao động nghèo sống quanh mình. Thời gian đầu, con gái vì sợ bà Hồng vất vả nên khuyên nhủ, nhưng bà nhất quyết một mình làm mô hình này.
"Có mấy hôm đang nghỉ trưa nhưng thấy người khác đến xin bún, tôi liền bật dậy múc cho họ ngay. Lắm lúc tiệm đã bán hết nhưng còn nhiều người đến chờ được ăn, tôi vẫn chạy ra chợ mua thêm nguyên liệu để nấu. Khoảnh khắc người lao động được ăn một tô bún nóng hổi, tôi thấy hạnh phúc khó tả", bà Hồng bộc bạch.
Mỗi ngày, người phụ nữ này đều dậy từ 3h để chuẩn bị nguyên liệu, 6h mở cửa. Đến 12h, bà Hồng sẽ tạm đóng quán để nghỉ ngơi, chờ 14h mở bán tiếp đến khi nào hết phần bún "treo" thì thôi. Nhiều bữa quán đóng cửa trễ, đến 22h bà Hồng mới được đi ngủ. Hôm nào cũng mệt lả người nhưng bà Hồng chưa từng nghĩ đến chuyện dừng lại.
"Tôi từng là dân lao động nghèo, buôn bán đường phố để mưu sinh, nuôi con. Tôi cũng từng trải qua nhiều khổ cực, thấm nỗi đau nhiều ngày phải nhịn đói, ăn cơm nguội cho qua bữa. Vậy nên đối với tôi, một bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng là một động lực to lớn cho người lao động khó khăn. Bản thân tôi mong sẽ có thêm nhiều người đồng hành, để mô hình được duy trì thật lâu", bà Hồng nói.