1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

"Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người khích lệ, truyền cảm hứng cho tôi"

Thái Anh Quang Phong

(Dân trí) - Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng với người đồng cấp khi người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH trao đổi với ông, thể hiện quyết tâm thực hiện việc chuyển đổi số.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người khích lệ, truyền cảm hứng cho tôi - 1

Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Mạnh Quân).

Cụ thể, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Lao động - Thương binh & Xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thống nhất đánh giá, năm 2021 đại dịch bùng phát mạnh chưa từng có. Trong bối cảnh đó, ngành Lao động đã có những đóng góp quan trọng cho an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo.

Bộ trưởng Hùng kể: "Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nói với tôi sáng nay (tại cuộc làm việc sáng 12/2/2021 - PV), Ban cán sự Đảng bộ Bộ Lao động sẽ có Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số và Bộ sẽ phê duyệt Nghị quyết về chuyển đổi số".

Ông Hùng nhận định, đây là định hướng đúng nhưng việc thực hiện, nếu không có sự cam kết, quyết tâm của người đứng đầu thì không thể thành công. Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông cho rằng, Bộ trưởng Dung đã nhìn rõ các nền tảng số quan trọng nhất của ngành, có trăn trở, có niềm tin và có sự chuẩn bị về nguồn lực triển khai…. Như vậy là đã được phân nửa chặng đường của chuyển đổi số. Nửa chặng đường còn lại, theo ông Hùng, tưởng khó nhưng đó là nghề của những người làm công nghệ nên xử lý không khó.

Đề cập việc Quốc hội vừa quyết định tăng ngân sách cho chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ cũng đã lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do Thủ tướng đứng đầu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, trong số 35 nền tảng số quốc gia được xác định thực hiện thì dữ liệu về lao động, việc làm, an sinh xã hội là một trong những nền tảng trọng tâm.

"Ngành lao động quản lý lĩnh vực có tác động xã hội rộng lớn, có hàng chục triệu người phải chăm lo an sinh. Việc phát huy hiệu quả của chuyển đổi số, như thế sẽ càng thể hiện cụ thể, sinh động. Dữ liệu về người dân, người lao động cả nước sẽ là tài sản lớn nhất của Bộ, của ngành Lao động cũng như các bộ, ngành khác để hoạt động hiệu quả hơn" - tư lệnh ngành thông tin nói.

Ông Hùng cũng khuyến cáo, chuyển đổi số, thay vì tranh luận nhiều, hãy bắt tay vào làm, "dò đá qua sông", không đi không bao giờ đến đích. "Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung là người có quyết tâm với việc chuyển đổi số, sẵn sàng thực hiện và anh chính là người khích lệ, truyền cảm hứng cho tôi với chính nhiệm vụ này" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người khích lệ, truyền cảm hứng cho tôi - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, với dữ liệu quản lý lớn, ngành LĐ-TB&XH có điều kiện lớn để thực hiện chuyển đổi số.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định, LĐ-TB&XH tưởng là ngành khó khăn nhất nhưng lại có điều kiện, tiền đề để làm chuyển đổi số tốt nhất vì hàng chục triệu người lao động, người hưởng lương hưu, đối tượng bảo trợ xã hội… hiện nay chủ yếu tương tác, thực hiện các thủ tục, chi trả chính sách qua hệ thống bảo hiểm xã hội, ngân hàng chính sách.

Phó Thủ tướng phân tích, việc thực hiện 2 chính sách hỗ trợ an sinh xã hội năm qua theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 với số tiền giải ngân rất lớn mà triển khai, giải quyết nhanh chóng cũng là nhờ áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Phó Thủ tướng cho rằng, khi áp dụng chuyển đổi số thành công, hoạt động của ngành sẽ còn "lên rất nhanh".

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người khích lệ, truyền cảm hứng cho tôi - 3

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: "Một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm với ngành trong năm 2022 là thực hiện chuyển đổi số".

Đáp lời, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, một trong bảy nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 đề ra với ngành chính là thực hiện chuyển đổi số triệt để. Ông Dung than: "Dù đã áp dụng khá nhiều công nghệ thông tin nhưng hiện tại thực sự là công việc nhìn đâu cũng vẫn thấy giấy tờ bộn bề, sốt ruột lắm!".

Xác nhận tiềm năng của ngành rất lớn, đủ điều kiện thực hiện được chuyển đổi số rất nhanh, chủ trương đã ấp ủ từ lâu mà chưa làm được, Bộ trưởng Dung cho biết, Bộ đã lên kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong năm 2021 nhưng do Covid-19 bùng phát, cả năm phải dốc sức lo ứng phó với dịch bệnh, nhiệm vụ đành tạm gác. Hiện tại, ngành đã chuẩn bị thêm các khâu như xây dựng dự báo cung - cầu dịch vụ, lo nguồn lực để sớm triển khai kế hoạch.

"Trao đổi với Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, tôi rất cầu thị, nhờ anh Hùng đến Bộ nói chuyện, để những người đứng đầu các đơn vị, như tôi, "thấm" trước về vấn đề chuyển đổi số, từ đó công việc sẽ chuyển động lan tỏa trong Bộ, trong ngành" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị.

Bộ Lao động tính toán đến cả tương lai với hàng nghìn trẻ mồ côi 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ nhận định, 2021 là năm vô cùng khó khăn đối với cả nước, cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ngành lao động, thương binh và xã hội.

Theo dõi lĩnh vực, đại diện cơ quan giám sát cho biết, từ những ngày đầu đợt bùng phát dịch bệnh, ngành lao động đã vào cuộc sớm, tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành các chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người khích lệ, truyền cảm hứng cho tôi - 4

Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ tại hội nghị.

Báo cáo của ngành cho thấy kết quả đạt được trong năm qua rất đáng trân trọng, đáng khích lệ. Trong tình hình khó khăn như vậy, các công việc của ngành thuộc về lĩnh vực chuyên môn đã thực hiện rất toàn diện, đầy đủ.

"Sau Đại hội XIII của Đảng, tôi thấy ngành lao động đã cụ thể hóa các Nghị quyết trung ương vào chương trình hoạt động. Từ góc độ UB Văn hóa, Giáo dục, chúng tôi cũng được tiếp cận với việc xây dựng, trình Chính phủ ban hành Chiến lược giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn 2021-2030. Chiến lược đã được Thủ tướng ban hành cuối tháng 12 vừa qua. Đây là sự chuẩn bị hết sức nghiêm túc, hết sức kịp thời, là cơ sở quan trọng để Bộ phát triển mạng lưới các trường dạy nghề. Thời gian qua, ngành lao động cũng rất chú ý, chăm lo, bảo đảm các cơ chế để có thể triển khai được nội dung chiến lược này" - Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhận xét.

Đối với lĩnh vực trẻ em, năm vừa qua dịch bệnh gây những tác động rất lớn và ngành LĐ-TB&XH phải giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan. Như đối với vấn đề trẻ em mồ côi, Cục Trẻ em cũng như Bộ Lao động đã tham gia, thể hiện vai trò quản lý nhà nước rất sớm. Không chỉ dừng ở việc nêu quan điểm, Bộ đã tham mưu những chính sách đầy đủ, không chỉ mang tính ngắn hạn, tức thời mà còn tính toán đến tương lai cả chục năm tới cho hàng nghìn trẻ mồ côi vì Covid-19.

Vừa qua, tại các địa phương xảy ra những sự việc rất đau lòng khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại trong gia đình, theo ông Vinh, ngành LĐ-TB&XH đã lên tiếng rất sớm, thể hiện thái độ, quan điểm rõ ràng.